TẾT ĐỘC LẬP
Tết Bính Tuất - 1946 là một trong những cái tết đáng nhớ nhất của người dân Việt Nam. Cả dân tộc hào hứng, phấn khởi, vui mừng đón tết - tết độc lập đầu tiên sau bao nhiêu năm đất nước chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Niềm vui ấy lan truyền từ người lãnh tụ cao nhất cho đến nhân dân. Và tết Bính Tuất - 1946 cũng là một tết rất đặc biệt bởi chúc tết mừng xuân đồng bào và chiến sĩ cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ba bài thơ Chúc tết Bính Tuất - 1946, Mừng báo quốc gia, Gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất; bốn bức thư gồm Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp đầu năm mới, Thư chúc tết Việt kiều ở Lào, chúc tết Việt kiều ở Xiêm, Thư gửi thanh niên và nhi đồng; và bài báo có tựa đề là Tết.
Bác Hồ và Chính phủ mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 - Ảnh tư liệu
Đây cũng là tết Chủ tịch Hồ Chí Minh có thơ và thư chúc tết nhiều nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng vinh quang của Người. Trong bài thơ Mừng báo quốc gia, Người khẳng định: Tết này mới thực tết dân ta/ Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia/ Độc lập đầy vơi ba chén rượu/ Tự do vàng đỏ một rừng hoa/ Mọi nhà vui đón Xuân dân chủ/ Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa. Đồng bào và chiến sĩ cả nước xúc động đón nhận, lắng nghe thư, thơ chúc tết của vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Bởi những lời của Người chính là tiếng lòng, là ước mơ, là khát vọng của cả dân tộc suốt bao năm khổ đau với bao thế hệ cha ông trước đó. Độc lập, Tự do, Dân chủ, Cộng hòa - 4 cụm từ được Người viết lên dung dị, nhẹ nhàng mà sao mang sức nặng lớn lao và hân hoan, sung sướng, xúc động quá...
Tết Nguyên đán là nét văn hóa cổ truyền độc đáo của người phương Đông nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Tết Nguyên đán độc lập đầu tiên của dân tộc sau đêm trường nô lệ, hình ảnh “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất Nước của Nguyễn Đình Thi) đã khắc sâu vào trong tâm khảm của thế hệ cha ông chúng ta lúc bấy giờ. Tết độc lập ra đời và trở thành một nét văn hóa trong đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam bắt nguồn từ đó.
TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC NồNG NÀN
CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Ngày nay, thế giới tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Một trong những tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cao nhất là vấn đề lãnh thổ quốc gia. Đối với nước ta, việc Trung Quốc liên tục có hành động khiêu khích ở biển Đông càng khiến cho Đảng, Nhà nước và tất cả người dân Việt Nam nâng cao cảnh giác. Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Mỗi khi đất nước lâm nguy, cả dân tộc luôn kết thành một khối, cuốn trôi mọi kẻ thù xâm lược.
Bài thơ Nam quốc sơn hà - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta năm 1077, anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã khẳng định: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời - bản dịch của Trần Trọng Kim).
Đến thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh thống trị từ châu Á sang châu Âu nhưng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vẫn quyết tâm sắt đá đánh đuổi giặc ngoại xâm “... Dẫu cho một trăm cái thân của ta phải đem đốt ở đồng cỏ, một nghìn cái thân của ta phải đem bọc vào da ngựa, ta cũng vui lòng....” (bản dịch của Ngô Tất Tố). Thế kỷ thứ XV, sau khi đánh đuổi giặc Minh, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “... Kén quân tỳ hổ, chọn tướng vuốt nanh/ Voi uống cạn sông, gươm mài vẹt núi/ Đánh một trận, sạch sanh kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông/ Nó như kiến tan đàn dưới bờ đê vỡ/ Ta tựa cơn gió mạnh quét sạch lá khô...” (bản dịch của Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Thế kỷ XVIII, khi quân Thanh sang xâm lược nước ta, vua Quang Trung truyền hịch bất hủ: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri nước Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập: “... Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Vâng! Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và lời của Người đã trở thành chân lý mà cả nhân loại tôn vinh. Chính vì thế: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là truyền thống anh dũng, bất khuất, truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam mà tất cả thế lực thù địch, thế lực có ý đồ xâm phạm đất nước, xâm phạm nền độc lập của dân tộc Việt Nam cần ghi nhớ. Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 đã và sẽ vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ chân lý chính nghĩa, pháp lý đanh thép, đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập cũng đã, đang và sẽ tiếp tục khơi nguồn sáng tạo, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065