BP - Khi tôi được mẹ dẫn đi học buổi đầu tiên của lớp 1 thì lớp học đã được dời về mé cánh đồng. Thấy cái lán lợp kè đơn sơ thấp tè, bốn bề trống hoác, xung quanh có giao thông hào, tôi bảo lớp xấu quá, thôi đi về không học nữa thì mẹ dỗ dành, bảo con cứ vào học đi, mai này hết bom đạn, con sẽ được ra học ở ngôi trường to đẹp. Sau buổi nhận lớp, trên đường về, mẹ cho tôi biết sở dĩ lớp được dời về đây là để đám học trò nhỏ như tôi tránh xa bom đạn hơn một tý, bởi ngôi trường cấp 1 hồi đó quá gần trận địa pháo cao xạ, là mục tiêu tấn công của máy bay Mỹ.
Một lớp học của các thiếu nhi trong thời chiến - Ảnh: Tư liệu
Năm 1972 là giai đoạn Mỹ điên cuồng ném bom miền Bắc. Một đứa nhóc con như tôi thời ấy đã có thể phân biệt nếu nghe tiếng rít và x...e...t... trên đầu thì đích thị là máy bay phản lực. Loại này bay tầm thấp và thường nhắm vào một mục tiêu đã định trước để trút bom. Còn khi nghe tiếng u...u... có vẻ xa xôi thì đích thị là B-52, loại máy bay được Mỹ mệnh danh là “siêu pháo đài bay”, một “thành tựu mới nhất của khoa học - kỹ thuật quân sự” thời ấy và là con “át chủ bài” của Mỹ trong chiến lược “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Thế nhưng cuộc tập kích đường không bằng B-52 của Mỹ tại miền Bắc đã thất bại thảm hại. Bởi theo Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sau này, quân đội ta với thế trận phòng không nhân dân sâu, rộng đã bắn rơi tổng cộng 4.181 máy bay các loại, trong đó có 68 máy bay B-52. Bởi thế, việc phải bay qua bầu trời miền Bắc là nỗi kinh hoàng của các phi công Mỹ. Trong khí thế đánh Mỹ khắp mặt trận của miền Bắc, dù là “pháo đài bay” thì B-52 cũng chỉ dám bay thật cao rồi trút bom vô tội vạ xuống bất kể nơi nào.
Lớp học của tôi chưa tới hai chục học trò, nhưng có tới ba trình độ, từ lớp 1 đến lớp 3. Cô giáo chủ nhiệm tên Hạnh, người ở xã dưới tình nguyện lên dạy chúng tôi. Thường thì cô đi bộ khoảng gần ba cây số về nhà, nhưng cũng có hôm trời giông gió, cô phải ở lại và ngủ tại nhà một học trò nào đó. Những ngày mới đến lớp, tôi chưa quen nên cứ thui thủi ngồi cắn bút chì. Cô Hạnh đến bên, chìa tấm bảng con cóc cáy bảo tôi viết thử cho cô xem. Và cô rất ngạc nhiên khi tôi viết được chính tên mình vào tấm bảng. Cô khen tôi giỏi, mới đi học mà đã biết viết, chữ còn đẹp nữa. Sau hôm ấy, tôi dạn dĩ hơn, thường quanh quẩn bên cô.
Có lần cô vừa vào lớp, bảo chúng tôi lấy vở ra thì tiếng máy bay đã gầm rú bầu trời. Cùng lúc, trận địa pháo cao xạ gần khu trường cũ vang lên những tràng pháo đanh thép, không gian đặc nghẹt mùi thuốc súng. Tôi và một số bạn nhỏ sợ quá khóc thét lên. Cô Hạnh bình tĩnh lôi từng đứa xuống giao thông hào và luôn miệng nói có cô đây, các em đừng sợ. Chỉ khi tất cả chúng tôi đã run rẩy ngồi im dưới hào cô mới xuống. Những lần sau đều như thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi đều thấy cô luôn nở nụ cười, kể cả khi tiếng máy bay gầm rú ngay trên đầu. Nụ cười của cô đã trấn an tất cả chúng tôi. Sau một vài lần trốn máy bay như thế, không hiểu sao chúng tôi đều tin rằng sẽ không có bom đạn nào chạm được vào chúng tôi, vì đã có cô Hạnh luôn bên cạnh.
Một buổi sáng chúng tôi đến lớp, thấy bàn phía dưới trống một chỗ ngồi, là chỗ của một bạn học lớp 3, tên Hà mà chúng tôi thường gọi theo kiểu ghép chung với tên mẹ của bạn là Hà Giang. Cô giáo thông báo với cả lớp tin buồn là bạn Hà theo các anh chị thanh niên lên trận địa pháo chơi và trúng bom. Ngày ấy nam thanh niên đều ra chiến trường, còn nữ thanh niên thường có nhiều hoạt động và thường kết thân với các anh bộ đội đóng quân tại xã. Đó cũng là ngày trận địa pháo bị ném bom. Bạn Hà cùng với một anh bộ đội đã trúng mảnh bom và không qua khỏi. Vừa nghe cô kể, tất cả chúng tôi đều khóc ầm lên. Chúng tôi khóc không phải vì sợ, mà vì thương bạn. Cô Hạnh lấy bài kiểm tra hôm trước còn chưa kịp trả cho bạn Hà và nghẹn ngào nói, bạn Hà được 8 điểm, các em phải noi gương bạn Hà mà học hành tốt hơn. Bây giờ, chúng ta bắt đầu học Toán!
44 năm đã trôi qua từ sau cái buổi cô giáo Hạnh đến lớp với đôi mắt sưng mọng và cũng đã 41 năm đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù, làng Phú Đa của tôi không còn dấu tích nào của những ngày bom đạn. Những người thuộc thế hệ cha chú tôi chẳng nói làm gì, nhưng còn thế hệ từng phải nằm hầm tránh đạn, từng thuộc quy luật bắn phá của máy bay Mỹ, từng mất đi những người thân vì bom đạn như tôi thường có một cảm giác rất khó tả trong những ngày chào đón tết Độc lập này.
Tôi không thể quên những gương mặt bạn bè, người thân thiếu đi sau mỗi đợt máy bay Mỹ bắn phá làng quê.
Tôi vẫn nhớ những vành khăn trắng trên đầu những đứa trẻ mất cha, mất mẹ phải chuyển thành mảnh băng đen trên ngực áo để chúng không trở thành những “mục tiêu di động”.
Tôi vẫn nhớ bộ dạng cha tôi cùng những người đàn ông lớn tuổi làng Phú Đa vào cái ngày nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Và trong ký ức tôi lại hiện về lớp học tuềnh toàng thời chiến với cô giáo Hạnh ở xã dưới đã tình nguyện vượt qua cánh đồng bom đạn để đến dạy dỗ chúng tôi.
Tháng 8-2016
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065