Những người biểu tình ở Manila (Philippines) phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc và khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam trong cuộc tuần hành ngày 25-2
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội chiều 3-3, trả lời câu hỏi của PV về việc liệu Việt Nam sẽ áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó có biện pháp pháp lý như Philippines đã làm, trước những hành động gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc hay không, người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố là quốc gia trực tiếp liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
“Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ)” - ông Bình nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ đồng thời là chuyên gia hàng đầu về Luật biển, hoan nghênh tuyên bố này của Bộ Ngoại giao và ủng hộ vai trò của LHQ, nhất là trong tình hình Trung Quốc công khai quân sự hóa các đảo mà nước này xây phi pháp ở Biển Đông.
TS Trần Công Trục nói Hiến chương LHQ là căn cứ hết sức quan trọng của thế giới trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có quy định:
“Tất cả các quốc gia thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ”.
Theo TS Trần Công Trục, Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố công khai quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông, đó là những quan điểm mang tính nguyên tắc và xuyên suốt, trong đó có nội dung khẳng định Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình căn cứ trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Trong đó, có quy định giải quyết tranh chấp thông qua các tổ chức tài phán quốc tế là một biện pháp hòa bình.
Liên quan đến thông tin Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc mời các doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu các lô dầu khí ở Biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ nội dung thông báo mời thầu mà các doanh nghiệp Trung Quốc công bố.
Tuy nhiên theo ông Bình, lập trường nhất quán của Việt Nam là dựa theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không bên nào được đơn phương thăm dò, khai thác dầu khí tại khu vực được xác định là chồng lấn ngoài vịnh Bắc bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang phân định, đàm phán.
Về việc Trung Quốc đã điều 7 tàu tới bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong mấy tuần gần đây, người phát ngôn Lê Hải Bình tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam “đều là bất hợp pháp”.
Ông Bình một lần nữa kêu gọi các bên liên quan cần có những hành động, lời nói thiết thực để đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tàu Trung Quốc rút, Philippines xem xét phản đối Hôm qua, chính quyền Manila đã xác nhận thông tin các tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng vẫn đang “nghiên cứu cẩn thận” việc phản đối ngoại giao chính thức về vụ việc này, báo IBT cho hay. Trước đó, phía Trung Quốc cũng tuyên bố tàu của họ đã rút khỏi khu vực này sau khi xâm nhập trái phép nhưng lại tìm cách bao biện hành vi của mình là... giúp một tàu của Philippines mắc cạn ở đó. Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn nguồn tin quân đội Mỹ hôm 2-3 (giờ Mỹ) cho hay Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân trong năm nay ở phía bắc biển Philippines, gần khu vực Biển Đông. Động thái này được đưa ra chỉ một ngày sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc về hành vi quân sự hóa Biển Đông. Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết cuộc tập trận lần này sẽ được tổ chức ở khu vực phía bắc biển Philippines và Nhật Bản cũng sẽ tham gia. Ông Harris phát biểu rằng quyền tự do đi lại trên biển là quyền cơ bản của tất cả các quốc gia. “Trong khi một số nước tìm cách bắt nạt các nước nhỏ hơn thông qua hành vi gây hấn, tôi xin chỉ ra đây sự ngưỡng mộ của mình đối với câu chuyện Ấn Độ giải quyết tranh chấp hòa bình với các nước láng giềng ở Ấn Độ Dương” - ông nói tại New Delhi hôm 2-3. |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065