HUY ĐỘNG TỔNG LỰC CÁC NGUỒN ĐẦU TƯ
CHO VÙNG DTTS
Từ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chính sách định canh, định cư; vay vốn phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ là người DTTS...
Trong chuyến đến làm việc tại tỉnh Bình Phước trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, nay là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà cho gia đình già làng Điểu Pe, xã Lộc Hòa (ngày 12-3-2009)
Điển hình là Chương trình 135, từ năm 2011 đến 2013, Bình Phước được đầu tư 55 tỷ 612 triệu đồng thực hiện 20 công trình đường giao thông nông thôn; 7 công trình hạ thế điện; 2 công trình giếng nước tập trung và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Năm 2014, Bình Phước tiếp tục được đầu tư thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2014 là 19 tỷ 120 triệu đồng đầu tư tại 9 xã đặc biệt khó khăn, 12 xã biên giới và 23 thôn đặc biệt khó khăn với 44 công trình các loại. Toàn tỉnh có 3.351 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 1.700 hộ đồng bào DTTS... Thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, đồng bào DTTS trong tỉnh không chỉ vươn lên làm chủ cuộc sống, mà còn giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình là các hộ ông: Điểu Thiệt, Điểu Sen, Lâm Văn Giàng (Hớn Quản); Sì A Dưỡng, Điểu Kem, Điểu Lơi (Bù Gia Mập); Thạch Biển (TX. Đồng Xoài); Đoàn Văn Kìu (Đồng Phú)...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 dự án định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào DTTS hoàn thành. Đó là, dự án ĐCĐC xen ghép xã Đồng Tâm, xã Tân Hưng (Đồng Phú); dự án ĐCĐC xen ghép thôn 12, xã Thống Nhất (Bù Đăng); dự án ĐCĐC tập trung xã Lộc Hòa (Lộc Ninh); dự án ĐCĐC tập trung ấp Thạch Màn, xã Tân Lợi (Đồng Phú).
Các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh đã huy động được tổng lực các nguồn: Vốn của trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của tỉnh bạn đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, biên giới. Đời sống nhân dân các dân tộc được nâng lên đáng kể, năm 2013, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS là 16,5 triệu đồng, tăng gấp 1,87 lần so với năm 2009. Hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm bình quân 2,5%/năm.
PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA DTTS
Có thể khẳng định, trong giai đoạn 2009-2014, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS được các cấp, ngành của tỉnh thực hiện tốt. Giao lưu văn hóa trong vùng đồng bào DTTS được thúc đẩy. Việc hưởng thụ văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào được nâng lên. Tỉnh tiếp tục triển khai dự án Khu bảo tồn văn hóa Xêtiêng sóc Bom Bo; thực hiện nhiều đề tài khoa học về văn hóa các DTTS, tiêu biểu là những đề tài trong chương trình mục tiêu quốc gia như: Dự án “Phục dựng lễ hội lập làng mới của người Xêtiêng Bình Phước”, dự án “Phục dựng lễ hội xuống đồng của người Khơme Bình Phước”, Dự án “Phục dựng lễ hội phá bàu của người Khơme Bình Phước”... Ngành văn hóa đã sưu tầm được 380 hiện vật phản ánh đặc trưng văn hóa của người Xêtiêng Bình Phước, sưu tầm 70 hiện vật phản ánh đặc trưng văn hóa của người Mơnông.
Trong chuyến làm việc tại tỉnh Bình Phước trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, nay là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, động viên các già làng người DTTS ở xã Lộc Hòa (Lộc Ninh).
Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chụp hình lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Lộc Ninh và đồng bào DTTS ở xã Lộc Hòa - Ảnh: H.T
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay, toàn tỉnh có 214 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng được Nhà nước hỗ trợ đầu tư tại các thôn, sóc có đông đồng bào DTTS. Ngành văn hóa đã phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương quản lý, hướng dẫn đồng bào duy trì các nét thuần phong mỹ tục trong cưới hỏi, ma chay, thờ cúng...; loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, tiếp thu có chọn lọc các xu hướng hiện đại, các nền văn hóa theo hướng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC
NGƯỜI DTTS
Theo ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, những năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực người DTTS có bước chuyển biến tích cực, trình độ dân trí được nâng lên. Bình Phước hiện có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và 5 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện. Thực hiện chế độ cử tuyển, từ năm học 2009-2010 đến 2013-2014, toàn tỉnh có 570 em được xét vào học các trường đại học, cao đẳng. Năm học 2013-2014, Bình Phước có 3/6 trường thực hiện việc dạy tiếng DTTS cho học sinh.
Các hội đồng già làng được củng cố và kiện toàn. Toàn tỉnh hiện có 89 hội đồng già làng, 339 người có uy tín. Hội đồng già làng được hỗ trợ kinh phí để hoạt động, người có uy tín được hưởng các chế độ theo quy định. Đặc biệt, từ năm 2014, ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, bảo hiểm y tế cho Hội đồng già làng và người có uy tín.
VÀ NHỮNG TỒN TẠI CẦN KHẮC PHỤC
Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù đã đạt những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay vùng DTTS của Bình Phước vẫn còn nhiều khó khăn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở vùng DTTS chưa cao. Công tác triển khai và quản lý các chương trình, chính sách dân tộc ở cơ sở còn lúng túng. Việc bố trí vốn thực hiện các chính sách chưa kịp thời, triển khai thực hiện chậm, kéo dài.
Từ đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS giai đoạn 2008-2010 của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Quyết định 2603/QĐ-UBND ngày 17-12-2007 của UBND tỉnh, đến nay Bình Phước đã có 1.880 đảng viên người DTTS; 1.024 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đang công tác tại các cơ quan tỉnh, huyện, cơ sở. |
Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất. Đồng thời, năng lực sản xuất ở vùng đồng bào DTTS hạn chế, sức cạnh tranh yếu, nhiều sản phẩm, hàng hóa của đồng bào sản xuất khó tiêu thụ. Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào ở một số nơi còn thấp. Công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS chưa được quan tâm thích đáng.
Thực tế công tác tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy việc giải quyết chưa dứt điểm, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tình trạng một số hộ đồng bào DTTS tiếp tục đi khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp kéo dài.
Những tồn tại, hạn chế trên được Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần II, năm 2014 thẳng thắn nhìn nhận để rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS đến năm 2020 như chương trình hành động và quyết tâm thư của đại hội đề ra.
B.C
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065