Thiếu nhi thị xã Đồng Xoài tạo tranh ghép mảnh - hình thức giải trí lành mạnh sau những giờ học - Ảnh: S.H
Trong một lần ngồi uống cà phê, có người đã hỏi vì sao trẻ em lại thích chơi game đến thế? Mỗi người đưa ra một lý do: Vì bố mẹ nuông chiều con hoặc để “rảnh tay” nên giao điện thoại, máy tính cho con chơi rồi quen; vì áp lực học hành; vì khi chơi game trẻ sẽ có cảm giác được làm chủ mọi thứ, thoát ly khỏi sự hạch sách, đe nẹt của bố mẹ... Lúc ấy tôi thấy lý do nào cũng đúng. Thế nhưng khi đọc những bài báo viết về mô hình trường học mới ở tỉnh Lào Cai, tôi mới ngộ ra những lý do nói trên chỉ đúng một phần. Cái chính là do người lớn chưa tạo ra được môi trường phù hợp để thu hút sự quan tâm của trẻ.
Dù trò chơi điện tử đã xuất hiện từ hơn hai thập kỷ trước nhưng thế hệ 7X và đầu 8X không có nhiều người trở thành con nghiện. Trẻ em thời đó ngoài học hành còn phải giúp cha mẹ làm việc nhà hoặc nương rẫy. Trò chơi phổ biến ngày ấy cũng chỉ là thả diều, đá bóng hay đi xem phim với bạn bè - là những trò chơi cổ điển, có giá trị tinh thần cao và nhìn chung không hội đủ những yếu tố “gây nghiện”. Sau này, điều kiện kinh tế được nâng cao, mỗi gia đình lại chỉ có 1 đến 2 con nên cha mẹ có điều kiện chăm lo, con cái tuổi đi học dường như không phải làm việc gì. Bên cạnh đó, áp lực học hành cũng khiến các em căng thẳng. Khi trò chơi điện tử ra đời với tính năng tạo cảm giác mạnh đã cuốn hút các em quên đi cảm giác nặng nề do học hành, thi cử. Từ thích chơi game đến đam mê, rồi nghiện lúc nào không biết. Đã có những câu chuyện đau lòng về việc trẻ bỏ nhà đi bụi hay trộm cắp để có tiền chơi game rồi trở thành tội phạm hoặc thành con mồi cho bọn ma cô. Nhiều bậc cha mẹ phải dùng biện pháp nặng là đánh đập con cái, thậm chí xích con tại nhà vì nghiện game... Tất cả là do mặt trái của game mang lại. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia, hiện tượng nghiện game trong giới trẻ đang là vấn đề đau đầu đối với những nhà quản lý giáo dục.
Trong khi các tỉnh, thành trên cả nước chưa tìm ra được mô hình hiệu quả để học sinh gắn kết với trường lớp, giúp các em tránh xa những thói tật, trò chơi nguy hại thì một tỉnh miền núi như Lào Cai lại đi đầu và đã có những thành công trong đổi mới giáo dục. Để tạo môi trường cho học sinh phát triển toàn diện, những năm gần đây, tỉnh Lào Cai xây dựng mô hình trường học mới gắn với thực tiễn, như mô hình trường học nông trại, trường học sinh thái, trường học văn hóa cộng đồng, trường học gắn với du lịch... Những mô hình trường học mới này bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo cảnh quan trường lớp. Điều quan trọng nhất là tạo môi trường thuận lợi để các em phát triển toàn diện, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Những sản phẩm từ các mô hình đã giúp học sinh cụ thể hóa những kiến thức trừu tượng trong sách giáo khoa, giúp các em ứng dụng những kiến thức sách vở vào thực tiễn. Từ những thành công đó, Lào Cai trở thành điểm học tập của cả nước về sự năng động, sáng tạo trong đổi mới giáo dục.
Lứa tuổi học trò, các em thường rất hiếu động và dư thừa năng lượng. Năng lượng ấy nếu không được sử dụng vào việc này thì sẽ được sử dụng vào việc khác. Cách đây một tuần, bé trai 7 tuổi ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long vì bắt chước tục “phá quàn” trong một đám tang mà em nhìn thấy đã tự ngậm xăng phun và đốt lửa dẫn tới bị bỏng nặng. Chưa nói tới sự bất cẩn của cha mẹ bé khi để xăng trong nhà và không có người quản lý con, hành vi của bé cho thấy trẻ luôn muốn bắt chước người lớn làm mọi việc.
Tại các trường học ở Lào Cai, sau giờ học trên lớp, các em được ra vườn trường để giáo viên hướng dẫn và cùng nhau trồng cây, trồng rau, nuôi heo, nuôi gà, nuôi chim bồ câu, làm nấm... Những tiết học thực hành sinh động ở các “nông trại trường học” không chỉ đơn thuần giúp các em học tập mà còn là môi trường để các em được trải nghiệm thực tế, đưa các em từ chỗ biết lao động đến yêu lao động và yêu thiên nhiên, yêu động vật và bảo vệ môi trường. Rồi những luống rau, bịch nấm do các em chăm tưới hằng ngày lại trở lại phục vụ chính bữa ăn ở bếp cơm tập thể khiến các em rất tự hào vì mình đã làm được những điều hữu ích.
Mong sao có thật nhiều tỉnh, thành làm được như Lào Cai, để học sinh có được môi trường thực thụ nhằm phát triển toàn diện chứ không chỉ “phát triển” trong những công văn, giấy tờ của ngành giáo dục!
Bảo Khanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065