BP - “Anh nghĩ xem, mỗi gia đình 1 năm giỏi lắm ăn được 1kg hạt tiêu. Chúng ta đang sống trên vùng nguyên liệu của hồ tiêu, tại sao không lựa chọn tiêu sạch để ăn, tại sao không tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường? Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đi vào hoạt động sẽ hướng đến chuỗi sản xuất sạch, chế biến sạch để vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu nông sản sạch của thị trường tiêu dùng. Mục đích của chúng tôi không nhằm vào việc thu mua nông sản của nông dân mà giúp họ có được thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, công bằng hơn trước xu thế hội nhập như hiện nay” - thạc sĩ nông học Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp chia sẻ.
BƯỚC CHUYỂN GIAO GIỮA CŨ VÀ MỚI
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2018 trên cơ sở sáp nhập 3 trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật và thú y theo Đề án 999 của Tỉnh ủy. Trung tâm hiện có 10 cán bộ, nhân viên và 22 cộng tác viên ở 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bù Đốp. Theo lộ trình của đề án, đầu năm 2019, 7 xã, thị trấn tiếp tục giảm 7 cộng tác viên để tập trung kinh phí hoạt động cho những cộng tác viên còn lại. Trung tâm hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu. Nguồn kinh phí hoạt động trước mắt phụ thuộc ngân sách huyện, sau đó sẽ tự chủ một phần kinh phí khi dịch vụ nông nghiệp chính thức đi vào hoạt động.
Bù Đốp đang xây dựng mô hình trồng tiêu theo hướng hữu cơ sinh học, tạo tiền đề hình thành mô hình liên kết chuỗi sản xuất của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyễn Văn Bắc cho biết: Việc sáp nhập các trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật và thú y không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Ngược lại, trung tâm đi vào hoạt động sẽ giảm đầu mối đáng kể cho người nông dân. Với đặc thù là huyện thuần nông ở vùng biên giới, nông dân không chỉ tập trung chăm lo cây trồng, chăn nuôi mà còn kiêm luôn việc thú y. Trước đây, để đảm bảo cho mỗi mô hình chăn nuôi gắn với trồng trọt, nông dân phải tìm đến cả 3 trạm thú y, bảo vệ thực vật và khuyến nông. Còn hiện tại, nông dân chỉ cần đến trung tâm là có đủ thông tin cung cấp cho cả 3 lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và khuyến nông. Kinh phí hoạt động của trung tâm từ ngân sách UBND huyện cũng góp phần tiện lợi và sát với thực tế hơn ngành dọc. Hiện, UBND huyện Bù Đốp đã bố trí vốn 10 tỷ đồng để xây dựng trụ sở trung tâm với các hạng mục vườn ươm, lưu trữ giống, phòng dịch vụ và các phòng chức năng trên tổng diện tích 3.500m2. Đây cũng là cơ sở vật chất ban đầu tạo điều kiện cho trung tâm đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
TẬN DỤNG LỢI THẾ CẠNH TRANH
Bù Đốp hiện có khoảng 4.000 ha hồ tiêu cho năng suất bình quân 2,8 tấn/ha. Trong đó khoảng 500 ha hồ tiêu người dân Bù Đốp đã ứng dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Cùng với hồ tiêu, diện tích cây ăn trái cũng được người dân đầu tư mở rộng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bù Đốp hiện có 11 hợp tác xã (HTX) thì 100% đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, trong số HTX ấy chưa có bất kỳ mô hình nông nghiệp hữu cơ nào thực sự thành công, chưa có HTX nào đứng ra thu mua, chế biến, tiêu thụ hay nói cách khác là tạo dựng chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch là rất cao. Đơn cử như khi mua trái ổi ai cũng muốn mua sản phẩm sạch... nhưng không biết tìm mua ở đâu.
HTX bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp sử dụng máy xới đất băm cỏ thay cho việc dùng thuốc diệt cỏ
Thương hiệu và giá trị thương hiệu ai cũng biết nhưng ít nhà nông hay HTX nông nghiệp tạo dựng cho sản phẩm của mình. Nguyên nhân nông sản không có thương hiệu, nhãn hiệu chính là tâm lý ngại khó, ngại đổi mới, sợ tốn kém chi phí, sợ thất bại... cố hữu của nông dân từ xưa đến nay. Để phá vỡ tư duy này, trước hết Bù Đốp hướng tới xây dựng bằng được những mô hình sản xuất nông sản sạch. Trước khi thực hiện mô hình liên kết chuỗi sản xuất, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đang xây dựng hàng loạt mô hình chăm sóc tiêu hữu cơ sinh học dựa trên cơ sở các câu lạc bộ tiêu sạch trước đây. Cùng với hồ tiêu, huyện Bù Đốp đã và đang hình thành HTX bưởi da xanh GlobalGAP với tổng diện tích 50 ha để tạo tiền đề hình thành những mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm: Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trong nước đặt hàng thu mua nông sản sạch nhưng trung tâm không có sản phẩm cung ứng. Để từng bước xây dựng thương hiệu hồ tiêu cũng như các mặt hàng nông sản khác cho Bù Đốp, trung tâm đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy và dây chuyền chế biến nông sản. Trước hết ưu tiên đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất tiêu sạch để cung ứng cho thị trường trong nước giàu tiềm năng. Sau khi tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu, trung tâm sẽ tạo dựng thương hiệu cho trái cây sạch dựa trên nền tảng của HTX bưởi da xanh sản xuất theo quy chuẩn VietGAP để cung ứng ra thị trường cả trong và ngoài nước. Khi ấy, người nông dân sẽ không còn lo giá cả hay đầu ra cho nông sản sạch. Bởi thị trường sẽ quyết định nguồn cung và mặt bằng giá cả dựa trên chất lượng, uy tín của từng sản phẩm một cách sòng phẳng, công khai.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065