Bên cạnh những cuộc hội đàm song phương mang tính lễ nghi, nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thân mật giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với những người bạn quốc tế lâu năm của Việt Nam trong các chuyến công du của ông tới Mỹ, Đan Mạch, Hungary... trong năm 2013 đã góp phần gắn kết bền chặt hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
|
Thông điệp “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”
Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất với các thành viên tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm Mỹ là khi được chứng kiến tình cảm nồng hậu, sự chân tình mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại bữa tiệc chiêu đãi của Bộ Ngoại giao Mỹ trưa 24.7 (giờ địa phương).
Sau những cái bắt tay thật chặt và nụ cười rạng rỡ, ông Kerry, vốn là cựu binh tham chiến tại Việt Nam những năm cuối thập niên 1960, sau khi giải ngũ đã có nhiều hành động dũng cảm phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sau này, đã dành phần lớn thời gian phát biểu của ông để ôn lại những kỷ niệm xúc động về Việt Nam.
“...Tôi luôn luôn biết ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam mà tôi có dịp làm việc suốt 10 năm qua, những người đã xây dựng nên một mối quan hệ đối tác phi thường để đưa chúng ta cùng có mặt ở đây trong ngày hôm nay. Các nhà lãnh đạo ấy đã giúp chúng tôi tìm kiếm hàng nghìn con em Mỹ ngay cả khi rất nhiều con em của họ vẫn còn đang mất tích...”, ông Kerry xúc động nói.
Bằng thông điệp rõ ràng Mỹ mong muốn “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” trong mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam qua chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Mỹ, vị Ngoại trưởng Mỹ đã gây bất ngờ cho chính Chủ tịch nước cũng như quan khách bằng phát hiện rất thú vị về sự trùng hợp ngẫu nhiên ở những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Chủ tịch nước Việt Nam, cũng như của chính ông, bắt đầu từ những năm 1960 khi cuộc chiến ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Ông nói vui: “Ở thời điểm hiện tại, ngài là Chủ tịch nước, còn tôi rất vinh dự được phục vụ Tổng thống Obama trong cương vị hiện nay. Vì thế, chúng ta có cơ hội tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước từ nền tảng quá khứ thông qua chuyến đi của ngài”.
Trân trọng cảm ơn những tình cảm chân thành của Ngoại trưởng Mỹ dành cho Việt Nam, cũng như cá nhân ông, Chủ tịch nước cũng chuyển tới ông Kerry thông điệp của Việt Nam về mong muốn tăng cường đối thoại để tạo dựng lòng tin giữa hai nước Việt Nam - Mỹ. Ông chia sẻ “thông qua các cuộc đối thoại, chúng ta hiểu nhau hơn”.
Tuy chuyến thăm Mỹ lịch trình dày đặc những cuộc tiếp xúc, hội đàm, tiếp kiến, Chủ tịch nước không quên dành thời gian tiếp đón gia đình cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (vị tổng thống đã quyết định bỏ bao vây cấm vận Việt Nam, tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước năm 1995 và ký Hiệp định thương mại song phương năm 2000), ngay sau khi ông vừa đặt chân đến New York vài chục phút.
Chủ tịch nước đã cảm ơn tình cảm hữu nghị của cựu Tổng thống và cựu Ngoại trưởng Clinton cũng như những đóng góp to lớn của ông bà đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ những năm qua. Ông khẳng định để có được quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Mỹ, “có đóng góp quan trọng” của vợ chồng cựu tổng thống. Qua câu chuyện hàn huyên, vợ chồng cựu Tổng thống và cựu Ngoại trưởng Clinton cho biết, mặc dù không còn tham gia chính quyền nhưng ông bà vẫn có thể giúp đỡ Việt Nam, thông qua nhiều hoạt động khác nhau.
Trước khi rời nước Mỹ, chiều 26.7, Chủ tịch nước đã dành thời gian dự cuộc gặp mặt cựu chiến binh hai nước tại New York. Tại đây, nhiều cựu binh đã xúc động bày tỏ những suy nghĩ của cá nhân họ về cuộc chiến ở Việt Nam trước đây, cũng như những hành động nỗ lực của bản thân trong quá trình vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
“Đối với cá nhân tôi, một người cũng từng trải qua cuộc chiến tranh đầy ác liệt như các bạn, đây là một cuộc gặp hết sức cảm động và vô cùng ý nghĩa: Chúng ta đã vượt qua một chặng đường dài từ cựu thù thành bạn bè, giờ đây cùng nhau chia sẻ một nguyện vọng giản dị là được sống trong hòa bình, hợp tác lâu dài, gác lại quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai”, Chủ tịch nước đáp lại những chia sẻ của các cựu binh Mỹ. Ông khẳng định trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ cũng như tiến tới quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước như hiện nay, “Không ai khác, chính cựu chiến binh Mỹ là những người đi đầu trong quá trình hòa giải, hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại trong lòng hai dân tộc, đóng góp tích cực vào việc dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ trước đây, xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Mỹ ngày nay”.
Xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, đối thoại nói trên, Chủ tịch nước không quên nhắc đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ của những người bạn Mỹ trong tiến trình đàm phán, thúc đẩy ký kết hiệp định này.
Tình bạn được thử thách khi cần nhau
Sau chuyến thăm Mỹ, chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân tới Hungary và Đan Mạch cũng đã đem lại nhiều thành công lớn trong lĩnh vực đối ngoại, không chỉ ở khía cạnh nâng tầm vị thế đất nước, mà còn giúp sợi dây gắn bó giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế càng bền chặt.
Sau lễ đón theo nghi thức cao nhất của Hoàng gia Đan Mạch, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe Đệ nhị và Hoàng thân đã mời Chủ tịch nước và phu nhân dự Quốc yến tại Cung điện Fredensborg. Tại đây, Nữ hoàng đã khiến những vị khách quý ngồi trong phòng Harsorff, Cung điện Fredensborg lặng người đi vì xúc động trước những tình cảm đặc biệt của bà và Hoàng gia dành cho Việt Nam. Không chút khách sáo và nghi lễ, bà nói: Tôi và Hoàng thân đều rất mong chờ chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ngài Chủ tịch tới Đan Mạch.
Rồi bà chia sẻ: “Đất nước Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim của Hoàng thân. Hoàng thân từng sống nhiều năm tuổi trẻ ở Việt Nam và ngài cũng thường chia sẻ với tôi và hai con trai tôi rất nhiều kỷ niệm trong quãng đời thanh niên đó. Do vậy, lịch sử Việt Nam đã cùng giao thoa với lịch sử của gia đình chúng tôi”.
Nhớ lại chuyến thăm tới Việt Nam năm 2009, Nữ hoàng chia sẻ: “Trong chuyến thăm đó, tất cả chúng tôi càng hiểu rõ hơn tại sao Hoàng thân lại bị đất nước Việt Nam quyến rũ đến thế. Chúng tôi cũng có dịp hiểu sâu sắc hơn nền văn hóa Việt Nam, sự hiếu khách và thân thiện của người Việt Nam. Tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi đều bị đất nước Việt Nam mê hoặc qua chuyến thăm này”. Trở lại với vấn đề quan hệ giữa hai nước, bà khẳng định: mặc dù hai nước đã trải qua một chặng đường hợp tác rất dài, quan hệ giữa hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân lần này sẽ mở ra một chương mới và thú vị trong lịch sử chung quan hệ của hai nước.
Xúc động trước tình cảm đặc biệt và sự đón tiếp trọng thị nói trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ: đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, đất nước Đan Mạch - xứ sở của đại văn hào Andersen, từ lâu đã trở nên thực sự gần gũi, gắn bó. Ông khẳng định nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ và hỗ trợ to lớn cả về tinh thần và vật chất của nhà nước và nhân dân Đan Mạch đối với Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam ngày nay.
Trong chuyến thăm Hungary trước đó, trong lịch trình dày đặc của những buổi hội đàm, tiếp xúc, Chủ tịch nước vẫn dành thời gian dự buổi gặp mặt Hội Hữu nghị Việt - Hung và các cựu chiến binh tham gia Ủy ban Giám sát Hiệp định Paris về Việt Nam những thập niên trước. Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, trung tướng Botz László xúc động nói: “Nhân dân Hungary luôn nhớ và yêu mến Việt Nam. Tôi và những bạn có mặt ở đây sẽ không bao giờ quên rằng mình đã trực tiếp chứng kiến nhân dân Việt Nam chịu đựng khổ đau vì bom đạn chiến tranh và đã đứng lên mạnh mẽ như thế nào để bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, các quân nhân tham gia Ủy ban Giám sát Hiệp định hòa bình Paris hoàn thành nhiệm vụ về nước. Nhưng không vì thế, những tình cảm mà họ dành cho Việt Nam bị gián đoạn. Nhóm đã tập hợp lại với nhau với tên gọi “Nhóm những người bạn của Việt Nam”. Đến năm 1989, Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam ra đời, với nhiều hành động thiết thực giúp đỡ người Việt Nam, thúc đẩy quan hệ gắn bó giữa hai nước.
Trước tình cảm nồng nhiệt của bạn, Chủ tịch nước xúc động nhắc đến một câu ngạn ngữ của Hungary: “Tình bạn sẽ được thử thách khi cần nhau” để nói về tình bạn với bề dày hơn 6 thập niên giữa Việt Nam và Hungary. “Nhắc đến Hungary, người Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng các bạn đã quyên góp tiền của và hy sinh cả máu của mình để ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh”. Ông nhắc lại sự kiện hơn 600 lượt quân nhân và cán bộ dân sự Hungary đã tham gia Ủy ban Giám sát Hiệp định hòa bình Paris tại Việt Nam trong những ngày chiến tranh khốc liệt nhất, trong đó có hai quân nhân đã tử nạn vì tai nạn máy bay tại Việt Nam, và xúc động bày tỏ: “Chúng tôi luôn ghi nhớ trong tim những nghĩa cử của các bạn”.
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065