BP - Ngay sau khi công bố, Quy định số 205-QĐ/TW đã nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước. Có nhiều ý kiến đồng thuận rằng Quy định số 205-QĐ/TW là một liều thuốc kháng sinh đặc biệt vì không những củng cố thêm mà còn nâng cao sức đề kháng cho niềm tin của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì trong những ngày vừa qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến kết quả điều tra vụ “đại án” Mobifone mua cổ phần của Công ty nghe nhìn Toàn Cầu AVG. Trong vụ án này, lần đầu tiên hành vi đưa và nhận hối lộ với số tiền “kỷ lục” lên tới 6 triệu USD, gần 140 tỷ đồng đã được đấu tranh làm rõ. Nhiều cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân cảm thấy phẫn nộ khi trong đội ngũ của Đảng, Nhà nước có những kẻ dối trá, trơ trẽn như thế. Những cá nhân sai phạm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Việc đưa ra ánh sáng những kẻ tha hóa, biến chất, dù đang giữ những cương vị cao trong bộ máy đã góp phần tạo thêm niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước cũng như đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thế nào là chạy chức, chạy quyền và hành vi bao che, tiếp tay...?
Ngày 23-9-2019, thay mặt Bộ Chính trị khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này có 2 nội dung chính là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Điều đặc biệt là với quy định này, lần đầu tiên Đảng ta đã đưa ra khái niệm cụ thể, rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ về thế nào là hành vi chạy chức, chạy quyền và thế nào là hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, Quy định số 205-QĐ/TW cũng nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, biện pháp xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. |
Với quyết tâm của Đảng cùng sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, cuộc đấu tranh với nạn tham nhũng sẽ còn tiếp tục và ngày càng được đẩy mạnh. Bởi vì, có những hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp tham nhũng mà từ trước tới nay mới được gọi đúng tên, chỉ đích danh, nhận đúng mặt, đó là hành vi chạy chức, chạy quyền. Những biểu hiện cụ thể của hành vi này là: Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ, tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.
Một trong những nội dung được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng thuận và tâm đắc là Quy định số 205-QĐ/TW không những chỉ rõ thế nào là hành vi chạy chức, chạy quyền mà còn quy định rất chi tiết về hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, đó là: Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ. Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng. Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền...
Trách nhiệm trong chống và xử lý chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay...
Quy định số 205-QĐ/TW cũng đã nêu rõ trách nhiệm trong chống và xử lý chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đối với việc chống hành vi chạy chức, chạy quyền: Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ở cơ quan, đơn vị mình. Bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.
MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Về xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị yêu cầu: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tùy theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau: Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm...Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch)... Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Củng cỐ và tăng sức đề kháng cho niềM tin
Từ lâu nay, Đảng ta đã khẳng định cuộc chiến phòng, chống tham nhũng là quyết tâm chính trị kiên định, kiên trì, kiên quyết của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Và ngày nay, công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt và là tâm điểm được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân chú ý, mong đợi. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến vô cùng khó khăn, bởi nó là cuộc chiến với “thù trong”. Vì thế, đã có ý kiến cho rằng, để xử lý được một bộ trưởng tham nhũng là việc không dễ. Hơn nữa, với “đại án” như vụ Mobifone lại chưa từng có tiền lệ. Thế nhưng, với chủ trương không có vùng cấm trong chống tham nhũng, nên hành vi hối lộ “kỷ lục” đã được chứng minh, làm rõ.
Và không chỉ có thế, theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Cấp có thẩm quyền đã kỷ luật 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ (tháng 1-2016) đến nay, đã có trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Và công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng đã, đang được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước đồng thuận, tin tưởng. Vì không chỉ có bộ trưởng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, mà còn có cả ủy viên Bộ Chính trị cũng đã bị xử lý nghiêm, phải lãnh án tù vì các sai phạm.
Đối với Đảng, những vụ án tham nhũng xảy ra trong thời gian qua đã để lại bài học đau xót về công tác cán bộ, nhưng đồng thời cũng khẳng định một điều chắc chắn rằng, Đảng và Nhà nước ta không bao giờ dung túng cho cái xấu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính”. Vì vậy, công cuộc đấu tranh với những cái xấu mà Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh cũng chính là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời không những tiếp tục củng cố, mà còn tăng sức đề kháng để niềm tin càng thêm vững mạnh.
Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065