BP - Số vụ vi phạm an toàn giao thông, số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông ở nước ta thời gian qua tuy đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, cứ vào dịp cuối năm, lễ, tết thì tai nạn giao thông lại tăng lên đáng lo ngại. Vừa qua, có 2 đề xuất nhằm góp phần giảm tai nạn giao thông đã và đang được dư luận quan tâm. Đó là việc Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng mức phạt vi phạm lên gấp đôi và đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đề xuất đưa đối tượng vi phạm an toàn giao thông đi lao động công ích.
Trên thực tế, tất cả nghị định của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ đã nghiêm minh, mức phạt khá cao nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến nhiều. Nguyên nhân hàng đầu là ý thức tham gia giao thông của người dân còn rất kém. Vì vậy, nếu có tăng mức xử phạt cao hơn nữa thì hiệu quả cũng chưa chắc đã tốt hơn. Theo đề xuất của vị đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng: những trường hợp nào vi phạm pháp luật về an toàn giao thông nhiều lần phải có biện pháp, cụ thể là đưa đi lao động công ích để giáo dục. Đề xuất này đã được nhiều người đồng tình hơn là tăng mức xử phạt. Nếu thay việc tăng xử phạt tiền rất nặng bằng lao động công ích, có thể sẽ chẳng có ai phản đối. Bởi đó là biện pháp duy trì được kỷ cương, xử lý không phân biệt đối tượng, vừa tránh được tiêu cực lại vừa không gây thêm gánh nặng cho dân. Một số người cho rằng, đề xuất này rất phù hợp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Hiện nay, một số nước đã xử phạt vi phạm luật giao thông bằng hình thức này.
Vì vậy, đây cũng là một phương án đáng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét bổ sung vào quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, lựa chọn hành vi vi phạm nào thì phải chịu chế tài này, đồng thời tính toán xem loại hình lao động công ích nào phù hợp với hành vi của người vi phạm. Đối với người Việt Nam thường có quan niệm lao động công ích là những người có tội, phải đi cải tạo. Khi áp dụng một chế tài nào đó liên quan đến người dân, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự đồng thuận của xã hội; lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các đoàn thể. Có thể áp dụng với cả 2 hình thức là cho người vi phạm an toàn giao thông lựa chọn giữa nộp phạt và lao động công ích. Điều này phải được thể chế hóa bằng luật và sự đồng thuận của người dân. Cần xem xét áp dụng đối với từng hành vi cụ thể, vi phạm ở mức nào thì buộc lao động công ích, mức nào thì xử phạt bằng tiền.
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại xử phạt bằng lao động công ích dễ phát sinh tình trạng lạm quyền, dẫn đến vi phạm quyền con người, quyền công dân. Vì vậy khi tăng mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm mà vẫn không hiệu quả, thì mới dùng đến biện pháp bổ sung là lao động công ích. Trước mắt, có thể thực hiện thí điểm ở một số thành phố, thị xã lớn để người dân dễ giám sát và đưa ra nhận định lao động công ích như thế có phù hợp hay không. Một vấn đề khác cũng cần phải được xem xét đó là, khi thực hiện biện pháp xử phạt hành chính đã có hiện tượng chạy chọt, tha người này bắt người kia. Do đó, khi áp dụng hình thức lao động công ích phải thực hiện thật nghiêm minh, tránh tạo ra sự bất bình đẳng và bất công trong xã hội.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065