Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 7 lần giảm với tổng mức giảm là 5.590 đồng và 5 lần tăng giá với tổng mức tăng là 5.652 đồng. Từ đó cho thấy, nghịch lý đối với giá xăng là khi giảm thì nhỏ giọt nhưng khi tăng thì vù vù. Cụ thể, nếu 7 lần giảm giá với tổng mức là 5.590 đồng (tương đương với mức giảm chỉ là 799 đồng/lít cho một lần). Còn 5 lần tăng giá với tổng mức là 5.652 đồng với mức gần 1.150 đồng/lít một lần tăng. Ngoài ra, khi giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh thì các doanh nghiệp xăng dầu trong nước lại “ỳ ạch” với các văn bản, thủ tục rồi mới giảm giá. Điều này không nói thì ai cũng biết các nhà nhập khẩu tranh thủ cơ hội gom lãi. Đã vậy, khi thị trường dầu thô thế giới mới “nhúc nhích” về giá thì giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng. Sự tăng, giảm giá xăng, dầu bất thường đã làm cho người tiêu dùng bị động với các kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vận tải, sản xuất vì phải gánh thêm chi phí.
Nhiều người cho rằng, việc giá xăng liên tục nhảy múa là do cơ chế vận hành giá của thị trường xăng ở nước ta chưa hoàn thiện. Các nhà nhập khẩu mặt hàng chiến lược này đang nắm thế độc quyền nên xảy ra tình trạng tăng giá vùn vụt, còn giảm giá lại từ từ. Thế nhưng, nút thắt chính của thị trường xăng dầu trong nước nằm ở vấn đề hạ tầng cơ sở của ngành xăng dầu. Ai cũng biết, các nước như Mỹ, Trung Quốc... có hệ thống kho bãi chứa xăng dầu hiện đại. Họ mua xăng dầu của thế giới rồi đưa vào kho cất giữ. Còn nhu cầu tiêu thụ trong nước thì họ đảm bảo được từ khai thác tại chỗ. Do vậy, họ không bị tác động lên, xuống của giá thị trường thế giới. Ngược lại, họ còn chủ động điều tiết thị trường xăng dầu quốc tế, ví như khi dầu thô giảm thì tăng cường nhập khẩu. Còn khi dầu thô tăng giá thì sự giao dịch chỉ cầm chừng nên thị trường xăng dầu trong nước của họ không bị tác động mạnh bởi giá xăng dầu thế giới.
Ngược lại, ở nước ta hệ thống kho bãi chứa xăng dầu rất hạn chế, nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu lại không nhiều chỉ mang tính mua đi bán lại là chính. Do vậy, việc nhập khẩu của ta gắn liền với tiêu thụ chứ chưa có hệ thống kho tàng, hạ tầng thiết yếu để dự trữ nên tất yếu phải phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới. Dù trong nước đã có Nhà máy lọc dầu tại Dung Quất (Quảng Ngãi), nhưng công suất chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.
Để hạn chế tình trạng “nhảy múa” của giá xăng, dầu đã đến lúc phải đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học từ cồn ethanol, tức xăng E5. Đồng thời mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đầu tư xây dựng hạ tầng kho bãi cho mặt hàng chiến lược này. Nếu không, giá xăng, dầu sẽ còn nhảy múa dài dài.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065