BP - Sau nhiều lần tạm hoãn, Bộ Y tế đã quyết định tăng giá 1.900 dịch vụ khám, chữa bệnh từ ngày 1-7-2019. Việc làm này là thực hiện Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30-11-2018 của Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở và cộng thêm chi phí quản lý. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất của nhiều người là giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng bệnh viện, trong đó việc khám, điều trị cho người bệnh có được nâng cao hay không? Với những gì đã diễn ra sau những lần tăng giá dịch vụ y tế trước đây cho thấy, quyền lợi người bệnh vẫn chưa được hưởng tương xứng, kể từ giường nằm, vệ sinh, thái độ phục vụ đến chẩn đoán, điều trị bệnh...
Sau 5 năm triển khai thực hiện nâng cao chất lượng bệnh viện, với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, nhiều bệnh viện đã có chuyển biến tích cực, nhất là tuyến Trung ương. Song, qua khảo sát trên 7.500 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 4,04/5, tương ứng trên 80% mức độ hài lòng của người bệnh nội trú. Nhiều bệnh nhân cho biết, chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công tuyến tỉnh và huyện vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Vì vậy, mặc dù bệnh nhẹ họ vẫn tìm đến các bệnh viện lớn ở tuyến trên. Cùng với đó, tình trạng tai biến y khoa ở một số bệnh viện vẫn chưa cải thiện; chuyện “đau con mắt bên trái lại mổ con mắt bên phải” vẫn còn xảy ra. Trung tuần tháng 6 vừa qua, tại một bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh khi bệnh nhân được chẩn đoán gãy đốt sống ngực nhưng bác sĩ lại đem khoan cẳng chân. Ngoài ra, thái độ và y đức của nhân viên y tế ở một số bệnh viện công chưa tốt cũng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, để tăng giá dịch vụ y tế thì trước hết các bệnh viện phải đổi mới toàn diện, từ trang thiết bị, thuốc, giường nằm và nhất là chất lượng khám, chữa bệnh. Với những bệnh nhân, kể cả có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hay không có, khi đã mang bệnh trong người thì điều họ quan tâm lớn nhất là chất lượng và hiệu quả của việc khám, chữa bệnh. Do đó, người bệnh chấp nhận giá dịch vụ y tế tăng nhưng kèm theo là chất lượng khám, điều trị bệnh cũng phải bảo đảm. Vẫn biết rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Đó là người bệnh sẽ được hưởng lợi vì bệnh viện có kinh phí để mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị xét nghiệm và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo quy chuẩn kỹ thuật nên chất lượng sẽ tăng lên. Đặc biệt, đối với người có thẻ BHYT do được chi trả phí cao hơn sẽ giảm phiền hà cho người bệnh vì không phải tự mua một số thuốc, vật tư hoặc phải trả thêm viện phí do BHYT không thanh toán. Tuy nhiên, từ góc độ của người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới về cơ chế chính sách viện phí theo hướng coi hoạt động khám, chữa bệnh là một loại dịch vụ, nên phải tính đúng các yếu tố chi phí thực hiện dịch vụ. Có như vậy mới thúc đẩy các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ chất lượng cho người bệnh.
Tăng giá dịch vụ y tế là yêu cầu tất yếu của xã hội, vì giá thị trường cũng thay đổi hằng ngày. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là thực hiện lộ trình của Chính phủ nhằm từng bước chuyển ngân sách chi thường xuyên cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Từ đó, giao quyền tự chủ cho các bệnh viện, nhằm tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065