Tỉnh Nghệ An đang tích cực phối hợp với các địa phương thuộc nước bạn Lào thực hiện tốt chủ trương tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào.
Đến giữa tháng Ba này, tỉnh Nghệ An đã khảo sát được 94115 mốc và giám sát thi công xong 73 trên 115 mốc quốc giới. Việc tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới là việc làm rất khó khăn bởi địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, dân cư ít, trong khi yêu cầu đề ra đối với cắm mốc là rất cao. Có những vị trí khảo sát, cắm mốc nằm trong rừng sâu, có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, vì vậy để đến được những vị trí này là việc không đơn giản.
Tỉnh Nghệ An xác định công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào là việc làm quan trọng, chính vì vậy, ngoài việc thành lập các đội cắm mốc, tỉnh còn tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến người dân các địa phương có biên giới về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào về công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới, Quy chế biên giới Quốc gia...
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Nghệ An cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở nước bạn Lào và các địa phương có chung đường biên giới trong việc khảo sát, bảo vệ an toàn các đoàn công tác cắm mốc và thực hiện các công việc khác liên quan đến công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới.
Tỉnh Nghệ An có tuyến biên giới đất liền với nước bạn Lào dài 419km, tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào là Bolikhamxa, Xiengkhuang, Houaphan. Dọc theo tuyến biên giới này có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn); Cửa khẩu chính Thanh Thủy (huyện Thanh Chương); 3 cửa khẩu phụ là Tam Hợp, Cao Vều, Thông Thụ và 14 tuyến đường qua lại biên giới có trạm kiểm soát biên phòng cùng nhiều đường mòn khác qua nước bạn Lào.
Theo kế hoạch, trên tuyến biên giới giữa Nghệ An giáp với nước bạn Lào sẽ tăng dày, tôn tạo 105 vị trí với 115 mốc quốc giới.