Ngày 23-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và Phòng chống dịch sởi" tại 63 điểm cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị.
Theo Báo cáo của Bộ Y tế về tình hình cúm A (H7N9), hiện nay, Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh trên người cũng như gia cầm và đang ở trong tình huống 1 (chưa có ca bệnh trên người) của Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm gia cầm của Bộ Y tế và Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trước tình hình số mắc gia tăng đột biến tại Trung Quốc đã lan rộng đến tỉnh biên giới giáp Việt Nam… nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Do đó, có thể rất sớm trong thời gian tới Việt Nam sẽ ghi nhận trường hợp mắc trên người từ vùng dịch trở về hoặc ghi nhận vi rút trên các đàn gia cầm trong nước rồi lây sang người.
Hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi" tổ chức ngày 23-2 tại Hà Nội |
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ tháng 6-2013 đến nay, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai 03 Chương trình giám sát chủ động vi rút cúm A (H7N9) tại 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với gần 20.000 mẫu gia cầm được lấy tại chợ gia cầm để xét nghiệm. Kết quả đều âm tính với vi rút cúm A(H7N9).
Về dịch bệnh cúm A(H5N1), trong 2 tháng đầu năm 2014, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh, nước ta tiếp tục ghi nhận 02 trường hợp mắc và tử vong tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A(H5N1). Từ năm 2003 (năm ghi nhận trường hợp mắc bệnh đầu tiên vì cúm A(H5N1)) đến nay, cả nước đã có 126 ca mắc, trong đó có 64 trường hợp tử vong tại 41 tỉnh, thành phố.
Theo thông báo của Cục Thú y, từ ngày 7-2-2014 đến ngày 20-2-2014, cả nước đã có 64 ổ dịch tại 16 tỉnh, thành phố là Đắc Lắc, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long.
Nhận định về tình hình dịch bênh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay dịch bệnh trên gia cầm đang xảy ra tại 16 tỉnh thành trên cả nước và chưa có xu hướng dừng lại, trong đó có nhiều ổ dịch nhỏ nên nguy cơ lây truyền sang người là rất lớn.
Cùng với đó, do sau một thời gian dài không ghi nhận ca bệnh, người dân có thể xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc chủ động phòng chống bệnh, nhiều người dân vẫn sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc… cũng là nguyên nhân làm cho dịch cúm A(H5N1) có nguy cơ cao bùng phát trở lại.
Cùng với diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm lây sang người, cuối năm 2013, Việt Nam cũng ghi nhận có sự gia tăng của bệnh sởi và tiếp tục ghi nhận trong đầu năm 2014 tại một số tỉnh, thành phố. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có Kế hoạch Triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi từ tháng 2 đến tháng 4-2014. Dự kiến sẽ có khoảng 200.000 trẻ sẽ được tiêm vắc xin sởi trong đợt này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện Bộ Y tế đang tham mưu để kích hoạt các biện pháp ứng phó với dịch ở tình huống 2 (khi có ca bệnh trên người). “Chỉ khi khống chế được dịch trên gia cầm thì sẽ khống chế được dịch trên người. Vì thế hai Bộ Y tế và Nông nghiệp cần có sự kết hợp chặt chẽ. Thời điểm này tập trung giám sát xem nơi nào có vi rút này trên gia cầm thì thông báo kịp thời cho y tế để có biện pháp ứng phó, xác định nguy cơ lây sang người” - bà Tiến nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, các Tổ chức quốc tế, đại diện các địa phương đã thảo luận về diễn biến tình hình dịch, kinh nghiệm phòng chống, dự báo tình hình và đề xuất các hoạt động cụ thể về phòng chống dịch cúm từ gia cầm lây sang người. Bộ Y tế cũng đã đề xuất các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố các hoạt động trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) và phòng chống dịch sởi.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù hiện nay, dịch cúm A(H7N9) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng chúng ta vẫn phải tuyên truyền một cách dễ hiểu, dễ nhớ để người dân không quá hoang mang lo lắng nhưng cũng không chủ quan. Đặc biệt, các cấp, ngành liên quan phải làm sao để khi các chủng vi rút mới xuất hiện cũng không gây tác hại giống như cúm A(H5N1) trước đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
“Theo Bộ Y tế và các nhà chuyên môn, dịch sởi xuất hiện vào thời gian này không phải do tỷ lệ tiêm vắc xin sởi thấp vào năm nay mà do tích tụ từ những năm trước. Chính vì vậy, phải đặc biệt lưu ý đối với các vắc xin khác trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do mà tỷ lệ tiêm chủng thấp đi. Bởi vì tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp hiện sẽ chưa thấy tác hại của việc này nhưng những năm sau sẽ thấy rõ và dịch sởi hiện nay là một minh chứng rõ ràng. Không có loại vắc xin nào khi tiêm lại tuyệt đối không có phản ứng; không có ngành y tế ở một đất nước, kể cả các nước tiến bộ lại không xảy ra những sự cố liên quan đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người. Vấn đề là ngành y tế phải giảm được tối thiểu các rủi ro và tuyên truyền có tính hướng dẫn cụ thể” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ngoài các bộ chủ chốt như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, công tác phòng dịch còn phải cần tới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống, xử lý dịch nên cần phải thống kê những kinh nghiệm tốt thành những tiêu chí và hướng dẫn cụ thể; đồng thời tăng cường công tác truyền thông, trong đó có truyền thông đại chúng. Các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác, dễ hiểu để phục vụ hoạt động truyền thông đại chúng.
Nguồn ĐCSVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065