BP - Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng, phát triển để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của nước ta hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu; hệ thống mạng thông tin còn nhiều lỗ hổng về bảo mật. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch và bọn tội phạm lợi dụng, khai thác chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Điều này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) trên lĩnh vực internet.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng PA83 Công an tỉnh rà soát, đảm bảo an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh
Để thực hiện mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch, bọn phản động trong, ngoài nước đã và đang lợi dụng triệt để internet để thu thập tin tức BMNN quan trọng của ta trên mọi lĩnh vực, nhằm thực hiện ý đồ chống phá. Các đối tượng xấu, bọn tội phạm đã sử dụng kỹ thuật công nghệ cao thông qua internet tấn công phá hoại cơ sở dữ liệu. Đồng thời, chúng thu thập, đánh cắp tài liệu BMNN nhằm tấn công phá hoại cơ sở dữ liệu, các cổng thông tin điện tử truyền thông. Theo thống kê, năm 2016 cả nước đã xảy ra 78 vụ lộ, lọt BMNN và hàng loạt vụ tin tặc tấn công website để chiếm đoạt, cài đặt mã độc, chuyển hướng truy cập sang các tên miền... thông qua lỗ hổng bảo mật.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN, đặc biệt là bảo vệ BMNN trên lĩnh vực internet. Tuy nhiên, theo thống kê trong các năm 2015 và 2016, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 4 vụ lộ, lọt BMNN trên internet, nguyên nhân chủ yếu là do một số đơn vị còn chủ quan, chưa chấp hành đúng các quy định về việc quản lý, sử dụng trang internet. Đặc biệt, những tồn tại cơ bản và phổ biến, nhất là vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ BMNN (không sử dụng máy tính kết nối internet để đánh máy, in, sao tài liệu mật). Ý thức bảo vệ BMNN của một số cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị chưa cao, vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN. Phần cứng máy tính và phần mềm bảo mật chưa thật sự được quan tâm đầu tư đúng mức. Cán bộ làm công tác liên quan đến BMNN chưa được tập huấn kiến thức cần thiết về bảo mật trên internet.
Để khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn thu thập BMNN, phá hoại cơ sở dữ liệu trên internet thì cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục, thực hiện các chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ BMNN. Đó là: Pháp lệnh bảo vệ BMNN năm 2000; Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28-3-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ BMNN; Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20-7-2015 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 33 của Chính phủ. Đặc biệt, khi soạn thảo các văn bản có nội dung BMNN thì tuyệt đối không sử dụng các thiết bị kỹ thuật có kết nối internet. Không sử dụng các phương tiện smartphone, máy tính bảng... để chụp gửi các tài liệu BMNN qua internet... Từ đó, làm cho cán bộ và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch trong lĩnh vực này; không mơ hồ, mất cảnh giác, vô tình tiếp tay cho địch. Nâng cao nhận thức cũng như cảnh giác của cán bộ có tiếp xúc, làm việc liên quan đến BMNN khi truy cập internet; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như các phương tiện bảo mật phù hợp, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác bảo vệ BMNN; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về nghiệp vụ quản lý, trang thiết bị kỹ thuật, bảo đảm tốt kinh phí nghiệp vụ và có chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ, nhân viên, những người làm công tác có liên quan đến BMNN.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định, vô tình hay cố ý làm lộ, lọt thông tin BMNN trên internet. Đồng thời, thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” để tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân về âm mưu thu thập thông tin, BMNN của các thế lực thù địch cũng như các loại tội phạm công nghệ cao. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác bảo vệ BMNN, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định của cơ quan về công tác bảo vệ BMNN cho phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị.
Minh Giang
(Công an tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065