Báo cáo về dự án luật này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nêu rõ, một trong những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, là Nhà nước phải có cơ chế pháp lý để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân về dân sự.
Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu này. Nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn thiếu tính khả thi, nguy cơ giao dịch bị tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy bỏ còn cao; chưa thực sự có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình (bên có liên quan tới tranh chấp dân sự của hai bên đương sự, không cố ý xâm phạm quyền dân sự của các bên tham gia tranh chấp), của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự; quyền của người không phải là chủ sở hữu chưa được quy định đúng với vai trò của họ trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị hàng hóa của tài sản.
Trong mối quan hệ với các luật khác thuộc lĩnh vực dân sự, về nguyên tắc, Bộ luật Dân sự phải là bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung, thực hiện được đầy đủ ba chức năng: quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất, có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự; định hướng cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động mang tính chuyên ngành; khi các luật chuyên ngành không có quy định hoặc có quy định nhưng không rõ ràng thì các quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng để điều chỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, Bộ luật Dân sự hiện hành chưa đáp ứng được những yêu cầu này.
Cũng theo ông Đinh Trung Tụng, dự thảo Bộ luật có 672 điều, giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều và bãi bỏ 149 điều so với Bộ luật hiện hành.
“Dự thảo đưa ra một số nội dung mới, như quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ thân nhân và quan hệ tài sản. Nhiều quy định cụ thể về mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự với các luật khác có liên quan đã được bổ sung theo nguyên tắc coi Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết.
Trên cơ sở kế thừa Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật sửa đổi quy định 7 nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của pháp luật dân sự Việt Nam bao gồm: nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết, thảo thuận; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc tôn trọng đạo đức truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc hòa giải.
Tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành sự cần thiết của việc ban hành Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi) liên quan, đồng thời, khắc phục những bất cập của Bộ luật Dân sự hiện hành, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền dân sự của người dân.
Ủy ban Pháp luật dành trọn hai ngày (21 và 22-8) trong chương trình nghị sự của phiên họp toàn thể thứ 16 để xem xét, thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065