Theo chương trình, nội dung này được Quốc hội dành cả ngày để thảo luận trước khi biểu quyết, thông qua toàn văn dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp này.
Làm rõ vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự
Đầu phiên họp sáng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Theo báo cáo, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ nội dung nguyên tắc “suy đoán vô tội.” Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, dự thảo chỉnh lý “Nguyên tắc suy đoán vô tội” như sau: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội."
Về tranh tụng trong tố tụng hình sự (Điều 26, 318 và các điều khác liên quan), đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm phòng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật đã chỉnh lý nhiều quy định để thể hiện tranh tụng trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm vụ án hình sự, cụ thể: Chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” như quy định tại Điều 2 6. Chỉnh lý, bổ sung các quy định để bảo đảm việc tranh tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên với người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Người bị buộc tội được thông báo, giải thích và được bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền của mình như quyền bào chữa, quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, yêu cầu, đối chất, quyền khiếu nại, tố cáo... tại các Điều 57, 58, 59, 60, 120, 122, 179...
Chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung về tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự giữa Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại và những người tham gia tố tụng khác tại Điều 318. Quy định việc tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm. Đồng thời đã quy định nhiều nội dung về tranh tụng tại các phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm (tại các điều 350, 382, 399....).
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định: sau khi kết thúc điều tra nếu bị can có yêu cầu thì được đọc, ghi chép bản sao hoặc các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được số hóa.
Đối với quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội (các Điều 57, 58, 59, 60), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín. Theo đó người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “ trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội.
Ủy ban Thường vụ nhận thấy, việc quy định rõ hơn quyền khai báo, trình bày ý kiến của người bị buộc tội như quy định tại điểm g khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia năm 1982 là cần thiết, như sau: Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”
Quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) thống nhất với dự thảo và lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can để “tránh việc ép cung, nhục hình; đồng thời bị can, bị cáo cũng không thể đổ thừa cho cơ quan điều tra đã bức cung, nhục hình, hay phản cung, đảm bảo sự khách quan, trung thực của cơ quan điều tra.”
Tuy nhiên, đại biểu Ánh đề nghị giải thích, làm rõ thêm trong dự thảo mỗi lần hỏi cung là một lần ghi âm, ghi hình, hay chỉ ghi một lần khi cần thiết.
Đại biểu đặt câu hỏi: nếu mỗi lần hỏi là một lần ghi thì có khả thi không, vì thực tế việc điều tra một vụ án ít nhất thường có 5 bản cung? Đồng thời, việc sử dụng băng ghi âm, ghi hình này như thế nào, khi chuyển hồ sơ sang Tòa thì có gửi kèm như một chứng cứ trong hồ sơ không? “Phải ghi cụ thể trong luật,” đại biểu Ánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị làm rõ nếu cơ quan điều tra không ghi âm, ghi hình khi hỏi cung thì bị xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, vậy hậu quả pháp lý như thế nào? Đồng thời, có biện pháp nào để loại trừ trường hợp thực tế có thể xảy ra là hỏi bị can, bị cáo ở ngoài phòng có ghi âm, ghi hình, hỏi xong rồi đưa vào phòng có ghi âm, ghi hình để hỏi lại?
Đại biểu Ánh đồng ý với qui định cho phép bị can được ghi chép tài liệu, nhưng phải qui định rõ trước 5 ngày mở phiên tòa thì bị can, bị cáo không được quyền sao chép tài liệu nữa để tránh “lạm dụng”, xin hoãn phiên tòa.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can là cần thiết để phục vụ yêu cầu điều tra và hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, nhất là việc bức cung, nhục hình và cũng để bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng dự thảo quy định theo hướng mọi trường hợp hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đều phải được nghi âm, ghi hình là không cần thiết và không khả thi.
Theo đại biểu, hoạt động phạm tội trên thực tế rất đa dạng, khác nhau về quy mô, mức độ nghiêm trọng; lượng tài liệu, chứng cứ thu thập được; thái độ khai báo của đối tượng nghi can... nên không cần thiết phải ghi âm ghi hình mọi trường hợp.
Theo đại biểu, trong điều kiện hiện nay, nếu phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp thì lượng kinh phí phải bỏ ra để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, kho bảo quản.... rất lớn. Ngoài ra để thực hiện việc này phải tăng thêm biên chế để tiến hành ghi âm, ghi hình; quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài liệu này.
Đại biểu nêu thực tiễn nguyên nhân để xảy ra việc bức cung, nhục hình chủ yếu là do năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức... của điều tra viên. Để hạn chế tình trạng này, theo đại biểu Xuyền, phải tăng cường công tác giáo dục phẩm chất đạo đức; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động của điều tra viên; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tố tụng...
Đại biểu đề xuất: chỉ tiến hành ghi âm, ghi hình nếu bị can kêu oan ngay từ đầu; có đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình; bị điều tra, truy tố có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình; bị can trong các v ụ án do Hồi động xét xử hủy án để điều tra lại; bị can, bị cáo là người có quốc tịch nước ngoài; và việc ghi âm ghi hình chỉ được thực hiện trong các buổi hỏi cung mà không có người bào chữa tham gia.”
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới dự phiên họp toàn thể và phát biểu trước các đại biểu Quốc hội.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065