Đến thị xã Phước Long, được nghe về cô, tôi rất ngạc nhiên. Bởi nhiều người nói cô không biết đi xe máy. Giữa thời đại này, cô sẽ bị lũ học trò nghịch ngợm đưa vào diện “bảo tàng” nhưng ngược lại cô được chúng... vô cùng yêu mến, thậm chí lập thành nhóm “fan của cô”. Tôi nghe mà tò mò thật sự!
Cô đón tôi bằng tất cả sự chu đáo vốn có của một cô giáo. Cô cho tôi xem một vài bài viết về mình ở các cuốn sách. Lướt qua những trang sách cũ kỹ, những dòng giới thiệu về cô “Xuân Quỳnh của Sông Bé”. Tôi hỏi: Cô dạy Văn ạ? - Không, mình dạy Giáo dục công dân.
Tôi vừa ái ngại, vừa muốn thoát ra khỏi những câu hỏi đang lởn vởn trong đầu. Trong trạng thái hồ nghi, tôi đã tự hỏi mình: Cô dạy thế nào mà học sinh lại thích học môn này đến thế?
Đoán được ý tôi, cô nói: Tôi cho học sinh lựa chọn cách học để từ đó tìm ra cách dạy phù hợp. Giờ học của tôi học sinh là nhân vật trung tâm và tôi chỉ có vai trò hướng dẫn, điều chỉnh. Tôi để học sinh tự do phát biểu ý kiến, tự do tranh luận. Bởi khi học sinh nói ra được suy nghĩ của các em, thầy cô mới biết cần định hướng học như thế nào cho đúng.
Cô kể: Tôi lượm lặt bài học từ cuộc sống và những người xung quanh để đưa vào bài giảng. Từ chồng có những câu chuyện tòa án hoặc qua những tâm sự của con cháu. Cô xem thời sự, những chương trình khác để có thêm kiến thức “tranh luận” với học sinh khi cần thiết. “Tích lũy được bao nhiêu kiến thức, tôi lại nói hết ra với các em và tiếp tục tìm tòi những kiến thức, lĩnh vực mới để theo kịp cuộc sống, trả lời những câu hỏi của học sinh”.
Cô không nói thêm gì về mình khi tôi hỏi: Cô dành bao nhiêu phần trăm cuộc sống cho giáo dục? Cô tiếp tục kể: Tôi chưa bao giờ chán học sinh. Với tôi không có học sinh dốt, không có học sinh hư. Đã có người hỏi tôi phải chăng có mâu thuẫn giữa những điểm số cao ngất ngưởng trong sổ điểm của tôi với những hành động ngỗ ngược của học sinh ngoài xã hội? Tôi đã trả lời: Trong quãng thời gian làm giáo viên của tôi, đến tận bây giờ tôi rất hạnh phúc vì chưa có một học sinh nào tỏ thái độ vô lễ với mình. Tôi đã khuyên các em biết bày tỏ những điều mình còn trăn trở, kể cả những lỗi lầm. Tôi sẵn sàng cho các em cơ hội sửa chữa và các em làm rất tốt, thì không có cớ gì tôi cho em điểm kém!
Thế giới của cô là học sinh. Rời những giờ giáo dục công dân vô cùng thú vị cùng học sinh ở trường, cô về nhà và... dạy Văn. Cô không cần chiêu sinh, tự phụ huynh và học sinh khắp nơi tìm đến.
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé, cô Bùi Thị Biên Linh dấn thân vào nghề giáo và đã từng là Phó hiệu trưởng chuyên môn trường THCS Long Hưng (Bù Gia Mập). Sau đó, cô Biên Linh được cử đi học khoa Kinh tế chính trị, trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, khóa đào tạo dành cho cán bộ quản lý ngành giáo dục của tỉnh Sông Bé cũ. Đến năm 2000, cô Biên Linh về công tác tại trường THPT Phước Bình và đảm nhận giảng dạy môn Giáo dục công dân. Cho đến tận bây giờ, hơn 10 năm công tác, cô Bùi Thị Biên Linh cho rằng mình đã được “học sinh quý mến”, “phụ huynh tin cậy”. Niềm vui sống của cô Biên Linh là giáo dục và mong rằng lòng yêu nghề ấy sẽ luôn có trong trái tim của người làm giáo dục dạy các em nên người.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065