BP - Mặc dù quy trình khám, chẩn bệnh cho nhà vua vô cùng nghiêm ngặt nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ hay thậm chí không sai vẫn có thể trở thành kẻ phạm tội ngay tức thì nếu sự cố xảy ra. Theo luật, nếu rủi ro, vua vừa uống thuốc đã chết, lập tức các quan ngự y bị bắt giam, cho đến khi vua mới đăng quang, nếu xét rõ vô tội mới được tha.
Trường hợp của Gia Long là một điển hình. Sau một thời gian dài lâm bệnh, mặc dù các quan ngự y nỗ lực chẩn bệnh và dâng nhiều bài thuốc nhưng bệnh tình nhà vua vẫn không thuyên giảm. Đến ngày 19 tháng chạp năm Kỷ Mão (1819) vua băng hà. Các quan ngự y gồm chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, phó ngự y Đoàn Đức Hoảng và cai bạ hầu thuốc Trần Vân Đại đều bị bắt giam. Mãi đến tháng 3 năm Canh Thìn (1820), nhờ các đại thần hết sức tâu xin, những người này mới được tha về làng.
Trong khi rất nhiều quan ngự y do không chữa lành bệnh cho vua nên đã vướng vòng lao lý thì cũng có những vị quan ngự y được thưởng vì đã biết trước nhà vua sẽ chết. Đó là quan ngự y Trần Đại Nghĩa, còn gọi là Trần Quang Chiếu, tên thật là Nguyễn Lượng, nguyên quán làng La Khê, huyện Từ Liêm, trấn Tây Sơn, nay thuộc phường Văn Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Bác ruột của ông là Nguyễn Quang Tuấn, có nơi gọi là Thuần, là danh y nổi tiếng và được vào làm quan ngự y dưới triều Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng.
Sách “Lịch sử các y gia y học cổ truyền Việt Nam và phương Đông” của nhà xuất bản Y học thuộc Bộ Y tế, năm 1996, cho biết, từ nhỏ Trần Đại Nghĩa đã được học chữ Nho và y thuật từ người bác. Lớn lên ông làm nghề chữa bệnh, vốn thích an nhàn nên không muốn ra làm quan. Ông người thấp, tính nóng, sống cần mẫn, kiệm ước, không ưa văn vẻ nhưng giữ lễ nghĩa, làm thuốc có nhân đạo. Vốn tinh thông Nho học nên sau khi được nghiên cứu y lý, ông lại càng tinh thông phép điền hư, bổ tổn rất tài, chữa lành nhiều bệnh nan y thời bấy giờ.
Năm Gia Long thứ 18, tức năm 1819, nhà vua ốm nặng, ông được Tổng trấn Bắc thành là Lê Chất, còn gọi Lê Công Chất, tiến cử vào kinh chẩn bệnh cho vua. Sau khi bắt mạch cho nhà vua, thái tử Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mạng sau này hỏi bệnh tình ra sao. Ông trả lời “khó nói”, rồi làm bài biểu kê rõ bệnh tình và nói rõ bệnh mạch so với y lý thì hơn một tháng nữa nhà vua sẽ không qua khỏi. Hiện bài tấu này vẫn còn ghi trong gia phả của dòng họ ông ở làng La Khê.
Trong khi đó, các quan ngự y khác như chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, phó ngự y Đoàn Đức Hoảng và cai bạ hầu thuốc Trần Vân Đại khi chẩn bệnh và dâng thuốc đều nói nhà vua sẽ không sao, uống thuốc sẽ khỏi. Cuối cùng, đúng như lời Trần Đại Nghĩa, sau một thời gian dài lâm bệnh, đến ngày 19 tháng chạp năm Kỷ Mão - 1819 vua Gia Long băng hà. Về việc này, trong sách “Đại Nam thực lục” có đoạn chép về việc vua Minh Mạng phàn nàn: Nghề làm thuốc khó tinh. Khi tiên đế ốm, bọn Vân Đại (tức Trần Vân Đại) hầu thuốc thay, hỏi thì lúc nào cũng nói tất khỏi, sau cùng không có hiệu nghiệm gì, khiến trẫm đến nay còn giận.
Sau khi Thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, các quan ngự y từ chính ngự y đến cai bạ hầu thuốc đều bị bắt giam. Riêng Trần Đại Nghĩa được vua Minh Mạng tin tưởng là người có y thuật cao minh vì đã đoán đúng bệnh, đồng thời dự báo đúng về cái chết của vua Gia Long nên ban thưởng rất hậu. Nhà vua còn bổ ông làm ở Thái y viện nhưng ông viện lý do phải nuôi mẹ già nên xin về quê. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm y học nổi tiếng như: Thiên quốc âm y thư, La Khê y học...
Lời bàn:
Theo các tài liệu xưa còn lưu truyền đến ngày nay, thái y là tên gọi khác của ngự y, là những danh y được các địa phương tiến cử vào cung. Họ có nghĩa vụ chẩn trị bệnh cho hoàng đế và hoàng tộc dưới thời phong kiến Trung Quốc. Nếu các bề trên sổ mũi, nhức đầu thông thường thì không sao nhưng nếu gặp phải trường hợp bệnh nặng thì trách nhiệm của thái y vô cùng nặng nề. Mặc dù quy trình khám, chẩn bệnh cho nhà vua hay thái hậu hoặc hoàng hậu và các hoàng tử vô cùng nghiêm ngặt nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ hay thậm chí không sai vẫn có thể trở thành kẻ phạm tội. Và theo luật của các triều đại phong kiến, nếu rủi ro vua vừa uống thuốc đã chết, lập tức các quan ngự y bị bắt giam, cho đến khi vua mới đăng quang, nếu xét rõ vô tội mới được tha. Nên người đời sau ví làm ngự y như chơi với hổ, không sao lường được sự sống chết, thưởng phạt của mình.
Nhưng đó là chuyện của các thái y trong cung cấm ngày xưa. Còn ngày nay, thầy thuốc được xã hội tôn vinh là một nghề cao quý trong những nghề cao quý nhất trên cõi đời này. Bởi đó là nghề giành lại sự sống của con người từ tay thần chết. Hơn nữa, với mỗi con người thì sức khỏe là tài sản vô giá, là thứ quý giá nhất. Tuy nhiên, thời nay không phải người thầy thuốc nào cũng cảm nhận được sự tôn vinh ấy từ xã hội. Chính vì thế mới có chuyện không ít bệnh nhân bị chết oan vì sự tắc trách của một vài bác sĩ. Thậm chí còn có thầy thuốc vòi vĩnh đòi tiền lót tay của bệnh nhân mới chịu chữa trị, thật đáng buồn thay.
N.D
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065