>> Bài 1: Đánh thức tiềm năng
>> Bài 2: Hướng đến nền nông nghiệp thông minh
ĐƯA ĐẶC SẢN VƯƠN RA BIỂN LỚN
BP - Trong chiến lược đưa đặc sản Bình Phước chinh phục những thị trường khó tính, không thể thiếu khâu liên kết sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng quy mô sản xuất hàng hóa lớn để tạo ra chuỗi sản xuất công nghệ cao với quy trình sạch, khép kín từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó khẳng định, nông nghiệp muốn vươn ra biển lớn cần phải có những cái “bắt tay” thật chặt của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông).
Nông dân liên kết với... nông dân
Bình Phước được biết đến là vùng đất đỏ bazan giàu dinh dưỡng, có tầng canh tác dày, khí hậu ôn hòa thích hợp phát triển chăn nuôi, cây công nghiệp và cây ăn trái. 10 năm trở lại đây, xu hướng trồng cây ăn trái phát triển mạnh, nhiều nhà nông xây dựng được thương hiệu nông sản, tạo uy tín trên thị trường bởi chất lượng, vị thơm ngon rất riêng như: Sầu riêng Ba Đảo, bơ sáp Mã Dưỡng, trái cây Dụng Quý Đông, nhãn da bò Thanh Lương...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An ở phường Phước Bình (Phước Long) trong dịp dự hội nghị phát triển ngành điều Việt Nam, tháng 5-2018
Các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập hiện không chỉ được biết đến là thủ phủ của cao su, hồ tiêu, điều mà nhiều nhà vườn, nhà đầu tư đang liên kết hỗ trợ nhau trong cung cấp giống, kỹ thuật để xây dựng vùng trồng cây ăn trái có chất lượng với giá bán phù hợp. Với ý tưởng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mít sấy khô xuất khẩu nhằm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng mít, tránh vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa, Hợp tác xã (HTX) thương mại - dịch vụ Phước Thiện (Bù Đốp) đang mở rộng diện tích bằng cách đầu tư giống, phân bón, thu mua mít cho nông dân trong tỉnh. Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, HTX đang trồng trên 100 ha mít Thái lá bàng từ 2-4 năm tuổi theo quy trình sạch, sử dụng chế phẩm sinh học không độc hại. Giá mít đang duy trì ổn định từ 3-5 ngàn đồng/kg, trung bình 1 năm HTX thu trên 1.200 tấn, sau khi trừ chi phí mỗi cây mít cho thu 1 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện cho biết: Do chưa sản xuất tập trung, số lượng hạn chế, nhiều hộ trồng mít trong tỉnh không tránh khỏi bị thương lái ép giá. HTX đang xây dựng vùng nguyên liệu và ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng mít. Trước mắt, HTX hỗ trợ bán cây giống với giá 30 ngàn đồng/cây, rẻ hơn ngoài thị trường từ 5-10 ngàn đồng/cây, chỉ thu trước 50%, còn lại chờ thu hoạch mới thu hết. Đây là một trong những bước khởi đầu để cây mít có sức cạnh tranh, nâng cao giá trị thương phẩm để làm chủ thị trường.
Ngoài sầu riêng, bơ, măng cụt thì bưởi da xanh cũng là trái cây “hạng sang” được nhiều nhà nông trong tỉnh mở rộng diện tích. Cây bưởi ở Bình Phước cho trái to, đều, tép mọng, có độ giòn, ngọt thanh được khách hàng ưa chuộng. Nhằm tạo chuỗi giá trị sản xuất, liên kết tạo vùng sản xuất tập trung, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các hộ trồng bưởi tại xã Tân Hiệp (Hớn Quản) đã thành lập HTX bưởi da xanh Bình Phước. Hiện HTX đã liên kết được 13 thành viên với diện tích 200 ha. Tham gia HTX, nông dân sẽ trồng đồng nhất một loại giống sạch bệnh do các nhà khoa học của Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ và nông nghiệp Hải Vương tuyển chọn, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tích hợp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó hình thành vùng nguyên liệu bưởi mang đặc trưng riêng của Bình Phước, có thể cạnh tranh với các thương hiệu bưởi của nhiều tỉnh, thành khác.
Đi đầu trong trồng rau thủy canh với dây chuyền công nghệ tiên tiến, HTX Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài đang sản xuất và kinh doanh 1 ha rau thủy canh, 1 ha dưa lưới tại Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh. Các sản phẩm của Nguyên Khang Garden hiện có mặt tại nhiều siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, như: Aeon, Mall, Lotte Mart, Giants, Co.opmart... Nguyên Khang Garden đang thực hiện dự án dây chuyền sơ chế, chế biến, đóng gói, kho lạnh bảo quản và chiếu xạ. Nguyên Khang Garden hướng đến tổ chức liên kết các HTX trồng rau sạch, an toàn trong tỉnh, nhằm thành lập liên hiệp HTX rau công nghệ cao trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
“Thấy được lợi thế của tổ hợp tác, HTX, nhiều nông dân tự nguyện tham gia. Điều quan trọng hơn cả là thu nhập của thành viên tăng lên đáng kể khi áp dụng một quy trình canh tác và sử dụng cùng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đầu ra ổn định. Có thể nói đây là cuộc cách mạng thay đổi tư duy, nông dân sẽ ở thế chủ động, ít phụ thuộc bởi các yếu tố bên ngoài, như biến động giá cả, giá thành đầu vào và các rủi ro khác” - ông Trần Tuấn Dũng, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Bình Long ở thị xã Bình Long chia sẻ.
Toàn tỉnh hiện có 110 HTX nông nghiệp với 2.434 xã viên và 79 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.001 thành viên, tăng gấp đôi so với năm 2008. Những hướng đi triển vọng của nông dân Bình Phước đã và đang từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 26 về quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
... đến vị trí số 1 thế giới
Ngày 22-5-2018, Bình Phước vinh dự đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Tỉnh còn được chọn để quy hoạch vùng nguyên liệu điều chính của cả nước và sản phẩm hạt điều đang được định hướng xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia. Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, ngành điều Bình Phước sẽ đối mặt nhiều thách thức đòi hỏi doanh nghiệp và người trồng điều phải cơ cấu lại sản xuất, tập trung phát triển chuỗi giá trị và chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhất là, xu hướng tiêu dùng trên thế giới đang chuyển dần từ hạt điều thường sang sản phẩm organic nên đòi hỏi các vùng trồng điều tập trung của tỉnh phải liên kết thành lập HTX sản xuất điều sạch theo hướng hữu cơ.
Để bắt kịp nhu cầu thị trường, HTX Phước Hưng ở xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài đang liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn FLO và organic xuất khẩu qua thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... thông qua doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ là Công ty xuất nhập khẩu Việt Hà và các đối tác. Hay Liên hiệp HTX điều Bình Phước liên kết 3 HTX là Đồng Nai, Thành Phát (Bù Đăng) và Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) sản xuất điều sạch. Trong đó, HTX Đồng Nai đã được dán nhãn thương mại công bằng quốc tế.
Từ những lợi thế về nguyên liệu, công nghệ, nắm bắt thị trường, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long đang triển khai đề án chế biến sâu, tập trung liên kết vùng nguyên liệu tại huyện Bù Gia Mập để thành lập 2 HTX trồng điều kiểu mới. “Tại đây, công ty sẽ đồng hành với nông dân chuyển giao quy trình chuẩn, trực tiếp chọn giống, thu hoạch, chế biến thành phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Giải pháp này giúp người trồng điều, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thoát vòng luẩn quẩn trồng - chặt và sống được với cây điều” - ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An chia sẻ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trung bình một vườn điều trồng theo mô hình organic cho sản lượng thấp hơn nhưng chất lượng cao hơn và đặc biệt là giá bán cao hơn 60% so với điều thường. Điều hữu cơ là hướng đi mới, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất chế biến và tiêu thụ điều theo hình thức HTX để sản xuất điều sạch và các tiêu chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP... Trong các giải pháp mà Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra là sẽ triển khai chuỗi giá trị điều hữu cơ ở huyện Bù Gia Mập với quy mô tối thiểu 5.000 ha và khoảng 2.000 ha ở các huyện Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đăng. Tỉnh đang có chính sách ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển ngành điều; xây dựng chuỗi giá trị ca cao xen điều tại huyện Đồng Phú theo tiêu chuẩn UTZ và nhân nhanh 5 giống điều đầu dòng đã chứng nhận đưa vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn PAN - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm để ký kết chương trình sản xuất điều sạch với quy mô khoảng 1.000 ha.
Ngoài trồng trọt, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng có bước tiến ngoạn mục. Thống kê đến tháng 9-2018, toàn tỉnh có 484.594 con heo, trong đó nuôi trang trại 422.594 con, nuôi nông hộ 62.000 con. Nuôi heo ở Bình Phước trong thời gian qua được đánh giá là lĩnh vực phát triển mạnh nhất trong hệ thống chăn nuôi với tốc độ tăng bình quân mỗi năm khoảng 11%. Ngoài ra, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên đàn gia cầm của tỉnh cũng đã tăng 4,6%/ năm. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm đầu tư phát triển với những chính sách thu hút đầu tư quy mô lớn cùng việc hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại công nghiệp tại Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú, Bình Long...
Đi đầu trong ngành chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn châu Âu phải kể đến Tập đoàn Hùng Nhơn ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) - doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh liên doanh xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản vào tháng 9-2017. Để cho ra lô gà thịt xuất khẩu sang Nhật, Công ty TNHH De Heus (Tập đoàn De Heus - Hà Lan) cung cấp thức ăn, Công ty CP Bel Gà (Bỉ) cung cấp giống, Tập đoàn Hùng Nhơn thực hiện chăn nuôi đàn trong các trang trại đạt chuẩn GlobalGAP và Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) nhận trách nhiệm thu mua, giết mổ và xuất khẩu. Chuỗi liên kết này tạo nên một dây chuyền khép kín, sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản. Với chiến lược đầu tư tập trung, bài bản, Tập đoàn Hùng Nhơn là minh chứng điển hình của tỉnh về làm giàu từ nông nghiệp.
Mới đây, tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt - Nhật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tổ chức tại Nhật Bản, nhiều cơ hội hợp tác đầu tư được mở ra cho ngành nông nghiệp của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng và các sản phẩm nông nghiệp Bình Phước có thể tiêu thụ được ở thị trường này nếu được sản xuất, chế biến theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những hoạch định và chính sách đầu tư bài bản cho nông nghiệp, hy vọng Bình Phước sẽ sớm hình thành một ngành công nghiệp chế biến thực phẩm theo hướng công nghiệp, hiện đại để không chỉ có gà mà cả thịt heo, bò... cũng sẽ “xuất ngoại”.
Để cụ thể hóa chiến lược trở thành tỉnh tiên phong của khu vực Đông Nam bộ phát triển kinh tế dựa trên nền tảng của nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, Bình Phước đang tập trung sản xuất và chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Đây là hướng đi đúng đắn, phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu, tạo được lợi thế từ sức cạnh tranh khác biệt, tạo hướng đi vững chắc cho nông nghiệp Bình Phước trong tương lai.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065