BPO - Với tinh thần khách quan trong đánh giá, dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong nhiệm kỳ vừa qua. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do xuất phát điểm kinh tế - xã hội của tỉnh thấp và việc hoạch định cũng như thực thi chiến lược, chính sách phát triển còn hạn chế, yếu kém nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Xuất phát từ thực tế này, cùng với quyết tâm lớn trong việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đảm bảo tính thực tiễn, khả thi cao, ngày 15-9-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Khát vọng bứt phá vươn lên
Nghị quyết này được xây dựng trên cơ sở báo cáo “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với nhóm chuyên gia của Đại học Fulbright Việt Nam, do TS Huỳnh Thế Du làm chủ nhiệm tổ chức thực hiện. Công trình này được nhóm chuyên gia xây dựng công phu, bài bản, tổ chức trao đổi với tỉnh Bình Phước nhiều lần và được tu chỉnh kỹ lưỡng. Đặc biệt, trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp với nhóm chuyên gia tổ chức hội nghị phản biện. Tại hội nghị này, có 7 nhà khoa học tham gia phản biện, trong đó có PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và 5 nhà khoa học do UBMTTQVN tỉnh mời theo cơ chế phản biện xã hội.
Có thể khẳng định, báo cáo tầm nhìn chiến lược là bước chuẩn bị mang tính chiến lược cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tiểu ban Văn kiện đã tiếp thu, lĩnh hội nhiều nội dung quan trọng trong báo cáo tầm nhìn chiến lược vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhất là các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế và an sinh xã hội; các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc chú trọng đến hạ tầng giao thông, xác định nhiệm vụ đột phá, chương trình, dự án trọng tâm. Theo đó, báo cáo tầm nhìn chiến lược đưa ra yêu cầu Bình Phước phải chuyển từ vị trí “dự trữ” thành một động lực tăng trưởng và phát triển cho cả vùng bằng công nghiệp hóa và đô thị hóa, nâng cao tỷ phần công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tham gia các chuỗi giá trị và cụm ngành của cả vùng. Đồng thời, thứ tự ưu tiên phát triển đến năm 2030 của tỉnh là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; sau đó sẽ là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú có nhiều chính sách đãi ngộ, chú trọng an sinh xã hội cho người lao động - Ảnh: Ngân Hà
Báo cáo tầm nhìn chiến lược đã xây dựng mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2050 phải đạt được 5 mục tiêu: Trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút việc làm thuộc nhóm dẫn đầu cả nước và trở thành động lực cho sự phát triển của vùng và cả nước. Miền đất hứa cho doanh nghiệp đến tổ chức các hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và tạo ra của cải cho toàn xã hội. Tạo dựng môi trường để những người có khả năng phát huy trí tuệ đạt được các mục tiêu của họ và tạo ra các lợi ích cho xã hội. Các chính sách an sinh xã hội tập trung vào tính hiệu quả vì mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đột phá trong tư duy chiến lược
Báo cáo tầm nhìn chiến lược được đánh giá là khâu đột phá về tư duy chiến lược của tỉnh. Cụ thể, nội dung của nghị quyết đã chỉ ra các trung tâm phát triển và định hướng quy hoạch không gian, gồm: 3 vùng đô thị có sức lan tỏa mạnh: thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long. 3 trung tâm động lực: thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành và huyện Đồng Phú. 3 hành lang phát triển: quốc lộ 13, quốc lộ 14 và đường tỉnh 741.
Đặc biệt, báo cáo tầm nhìn chiến lược đã đề ra 2 giai đoạn phát triển của tỉnh, như sau: Thứ nhất, “Xây dựng nền tảng ban đầu từ 2021 đến 2030”. Trong đó, xây dựng các cụm ngành có tiềm năng trên nguyên tắc tạo ra nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách tốt. Xây dựng hệ thống hạ tầng trọng yếu kết nối với các địa phương khác và kết nối giữa các đầu mối kinh tế trong tỉnh. Phối hợp với các địa phương có cùng lợi ích tạo dựng được những cấu trúc thể chế liên kết hợp lý trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích. Phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng về dân số, việc làm, nguồn thu ngân sách và giá trị kinh tế ở mức cao hơn đáng kể so với mức hiện tại (cao hơn hiện tại từ 1,2-1,5 lần).
Giai đoạn 2, từ năm 2030 đến 2050 “trở thành địa phương phát triển”. Trong đó, phát triển các cụm ngành có tính lan tỏa, tạo nhiều việc làm có thu nhập và các nguồn thu ngân sách bền vững. Tạo dựng nền tảng giáo dục cơ sở và đào tạo dạy nghề có chất lượng cao tập trung vào nhu cầu từ các cụm ngành trọng tâm của tỉnh. Cùng với các địa phương khác tạo dựng một cấu trúc liên kết vùng thực chất thúc đẩy sự phát triển của cả vùng.
Về các cụm ngành chiến lược, báo cáo tầm nhìn chiến lược xác định: Đối với ngành điều sẽ duy trì hoặc giảm diện tích hiện nay; nâng cao chất lượng hạt điều, khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác; đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá.
Về cao su và chế biến gỗ, duy trì hoặc giảm diện tích hiện nay; nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ mủ cao su và gỗ cao su; tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị; chuyển đổi một số diện tích cao su hiện tại sang các mục đích sử dụng có giá trị cao hơn...
Định hướng chiến lược phát triển
Báo cáo đã đề ra các chỉ tiêu chính phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9-10%/năm. Tăng trưởng dân số bình quân 3%/năm và tập trung để đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35% vào năm 2025. Tạo ra 150 ngàn việc làm mới trong các doanh nghiệp và tổ chức với 60 ngàn việc làm từ thu hút người nhập cư. Số lao động có đóng bảo hiểm xã hội đạt khoảng 250 ngàn người. Tăng trưởng nguồn thu ngân sách ở mức 10-12%/năm.
Về ưu tiên phát triển hạ tầng, báo cáo khẳng định, việc lựa chọn phát triển hạ tầng phải có tính chiến lược. Nguồn lực chính của tỉnh tập trung vào những hạ tầng với thứ tự ưu tiên phù hợp. Hạ tầng giao thông chiến lược ưu tiên là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành; cao tốc nối dài Chơn Thành - Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; tiếp đến là cao tốc kết nối với các tỉnh Tây nguyên; đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; đường kết nối Bình Phước - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; cầu Mã Đà kết nối tỉnh Đồng Nai - Cảng Thị Vải... Bên cạnh đó tập trung phát triển hạ tầng điện, nước, viễn thông, bến bãi tập kết.
Đối với chính sách an sinh xã hội, báo cáo đề xuất tiến tới dùng toàn bộ nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho các chính sách an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng đến mục tiêu cải thiện phúc lợi cho người dân. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế huy động, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia vào các chính sách an sinh xã hội như một phần trách nhiệm của mình. Giao cán bộ, đảng viên có khả năng phụ trách một hộ nghèo tại địa phương (tỉnh đang triển khai giải pháp này).
Một trong những đề xuất mang tính đột phá trong báo cáo là đã đưa ra đề xuất về việc tạo dựng 3 nhân tố trọng yếu: Thứ nhất là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu có tinh thần sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy cho cấp dưới hành động quyết liệt, sáng tạo, dấn thân vì lợi ích chung. Thứ hai là xây dựng và củng cố 3 điều kiện then chốt gồm: Nội bộ đoàn kết, nhất trí và đồng lòng; được sự ủng hộ của Trung ương; được sự tham gia đồng hành của người dân và doanh nghiệp với sự ủng hộ của dư luận. Thứ ba là phát triển doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và những đối tác có lợi ích dài hạn để phát triển.
Như vậy, “Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050” là tiền đề, là điểm tựa, là động lực to lớn để Bình Phước “cất cánh” cùng sánh vai với các tỉnh, thành đi đầu trong cả nước. Tuy nhiên, chỉ có khát vọng là chưa đủ, mà rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; quyết tâm cao độ của các cấp, các ngành, của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065