Tương truyền, thời đi học, giữa Bạch Liêu và các bạn thường xảy ra những cuộc tranh cãi về các hiện tượng thiên nhiên và cả về hệ thống pháp luật mà có lần thầy đồ yêu cầu nêu ý kiến, ông nói: Nếu có một hệ thống pháp luật tốt thì mọi thời đại đều không cần đến nhiều quan cai trị. Cũng trong những năm đi học này, Bạch Liêu đã quen thân với Đại Minh, học trò giỏi là con quan tuần phủ. Nhờ Đại Minh mà Bạch Liêu có cơ hội được đọc nhiều cuốn sách trong kho của quan tuần phủ nên kiến thức ngày càng mở rộng và uyên bác.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép: Năm Thiệu Long thứ 9 đời Trần Thánh Tông (1266), tháng 3 khoa thi lấy Kinh Trạng nguyên Trần Cố, Trại Trạng nguyên Bạch Liêu. Theo thường lệ, sau khi vinh quy bái tổ, các sĩ tử sẽ nhận được chiếu chỉ của nhà vua mời về triều nhậm chức. Nhưng Bạch Liêu lại không mong vua trao cho chức vụ. Ông đã bái tạ chiếu chỉ nhà vua bằng một sự khước từ rất chân thật: Xin bệ hạ rủ lòng thương cho thần được ở lại quê báo hiếu song thân, thần xin đem tài lược lo giúp việc công ngay trong bản xứ. Lời thỉnh cầu của Bạch Liêu được vua Trần Thánh Tông chấp nhận.
Lúc bấy giờ, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt sau cuộc tấn công xâm lược nước ta lần thứ nhất năm 1258 bị thất bại, nên vẫn nuôi tham vọng đánh chiếm Đại Việt. Mặt khác, triều đình nhà Trần vẫn coi Nghệ An là địa bàn trọng yếu nên muốn xây dựng vùng đất này thành hậu cứ vững mạnh, chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông. Năm 1266, vua Trần cử Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vào trấn thủ Nghệ An. Nghe tiếng về học vấn và tài năng, đức độ của Bạch Liêu, nhất là khi biết ông không chịu ra làm quan thì lại càng mến phục, Trần Quang Khải đã mời Bạch Liêu đến ở để cùng đàm đạo thơ văn, thế sự, lo tính việc nước.
Qua vài lần tiếp xúc, Bạch Liêu vui vẻ nhận lời và tạm biệt quê hương, gia đình vào sống ở đây để cùng chung sức mưu cầu nghiệp lớn. Bạch Liêu được Trần Quang Khải coi là môn khách, cương vị như quân sư và biệt đãi hơn hẳn mọi người. Lúc công cán bộn bề thì giúp Trần Quang Khải trù liệu kế hoạch, đề xuất phương lược. Nhờ am hiểu địa bàn, tình thế, điều kiện tự nhiên và con người xứ Nghệ, cùng với đầu óc thông thái, ngay trong năm 1266, Bạch Liêu đã đề xuất với Trần Quang Khải thảo ra một kế hoạch gọi là “Biến pháp tam chương” gồm 3 vấn đề lớn:
Về tuyển quân: Bạch Liêu đề nghị kiểm kê lại dân số, số lượng đinh tráng trong độ tuổi quân ngũ, tiến tới có một số binh lính sẵn sàng đủ 10 vạn quân. Có quân rồi các phủ huyện phải điểm binh, biên chế thành cơ đội, luyện tập võ nghệ hằng năm và quyên góp trong các hương ấp sắm đủ vũ khí... chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Toàn hạt chỉ tập trung một số quân thường trực nhất định theo số binh khí và hương quân hằng năm của Nhà nước, còn lại cho về nhà làm ruộng khi có giặc mới điều động đến.
Về quân lương: Cho quyên góp các khoản phụ thu cứu quốc, tích trữ từ ít đến nhiều, từ thiếu đến đủ. Từ Hoành Sơn trở ra, từ Ngọc Sơn trở vào theo đường thượng đạo cho lập các kho lương, cứ 20 dặm có một kho chứa đầy lương thực và cả vũ khí, được bảo vệ một cách chu đáo và bí mật.
Về sách lược đối với phía Nam: Tăng cường củng cố và xây dựng thêm các đồn binh ở biên giới phía Nam Nghệ An. Đồng thời giúp nông dân về khai khẩn đất đai bỏ hoang của người Chiêm Thành để lại. Khai khẩn đến đâu lập giáp làng đến đó, vừa mở mang bờ cõi vừa nghe ngóng cảnh giác đối với địch. Và kế sách của ông đã giúp quân dân nhà Trần đánh tan đội quân xâm lược Nguyên - Mông do Toa Đô chỉ huy.
Lời bàn:
Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, lịch sử khoa cử của các triều đại phong kiến Việt Nam có 47 vị trạng nguyên và tất cả đều nổi tiếng là thần đồng thông minh từ nhỏ. Tuy nhiên một vị thần đồng đỗ trạng rồi lại không làm quan mà chỉ muốn làm dân thường, nhưng vẫn góp công lớn trị quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thì chỉ có trạng nguyên Bạch Liêu. Đã vậy, sau khi Đại Việt chiến thắng, trong những người được ban thưởng có Bạch Liêu, nhưng ông đã từ chối mọi tước vị cũng như vật phẩm. Ông về quê mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân.
Như vậy, việc ông đem trí tuệ, tài năng hết lòng giúp Trần Quang Khải không chỉ vì sự tâm đắc với một vị tướng tài giỏi, mà còn vì tấm lòng với quê hương, đất nước. Và chí hướng của trạng nguyên Bạch Liêu một lần nữa cho hậu thế thấy rằng, đạo học cao nhất của người xưa không nằm ở chỗ công danh, lợi lộc, mà ở việc nỗ lực trở thành bậc thánh hiền, hoặc ít nhất cũng làm người quân tử, chứ không phải là kẻ tiểu nhân phàm tục. Thật đáng kính thay!
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065