Lộc Thành có 42% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số và có hơn 14km đường biên giáp với nước bạn Campuchia. Đi trên con đường đất đỏ bụi mù với những ổ voi, ổ gà dày đặc, tôi mới hiểu phần nào khó khăn trên hành trình đi tìm con chữ của học sinh nơi đây và tấm lòng cao cả của người thầy mang quân hàm xanh.
BÁM LỚP ĐỂ GIỮ TRÒ
Thượng úy Luận có gần 20 năm gắn bó với công tác vận động quần chúng. Anh nắm rõ từng con đường ở các thôn, sóc; hiểu rõ hoàn cảnh từng hộ dân trên địa bàn quản lý. Nhận thấy trẻ em ở đây không được đến trường còn nhiều, Đồn Tà Pét đã khảo sát, phối hợp với chính quyền địa phương và Trường tiểu học Lộc Thành B mở lớp phổ cập giáo dục tiểu học. Lớp học ở ấp Tà Tê 2 được dựng lên bằng gỗ, tre, nứa từ công sức của đoàn thanh niên và bộ đội biên phòng. Trường tiểu học Lộc Thành B hỗ trợ tập và sách giáo khoa, còn việc giảng dạy được giao cho Thượng úy Luận phụ trách.
Thượng úy Phạm Đình Luận
Có một ngôi trường đã khó, để có học sinh đi học đều và giữ được sĩ số càng khó hơn bởi các em đến tuổi đi học thường phụ ba mẹ trông em, đi rẫy, vào rừng lấy măng... Những khó khăn này đã đè nặng lên vai thầy Luận 10 năm qua. Trong 3 khóa học, mỗi lớp có nhiều học sinh ở độ tuổi khác nhau, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi. Ngoài đảm bảo giáo án, thầy còn phải đi vận động học sinh. Em nào vắng, thầy lại đến nhà tìm hiểu nguyên nhân và động viên các em không bỏ lớp. Như trường hợp em Thị Dung, sinh năm 2000 ở sóc Âu Crem, nhà có hai mẹ con, em phải nghỉ học cùng mẹ lên rừng lấy măng. Em Thị Phao, sinh năm 1999, có hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh chị em nên em phải ở nhà đi làm thuê phụ giúp ba mẹ. Và còn rất nhiều trường hợp khác muốn bỏ lớp vì không hiểu lợi ích lâu dài của việc học mà chỉ lo có bữa cơm ấm cái bụng.
“Thường xuyên tiếp cận và hiểu tập quán của đồng bào là đi rẫy từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều nên tôi chia lớp làm hai ca. Các em lớn học từ 7-9 giờ rồi về phụ ba mẹ đi rẫy, lớp nhỏ học từ 9 giờ sáng trở đi. Hai khóa học đầu, cả thầy và trò phải đến lớp trong điều kiện rất khó khăn vì từ đồn ra đến lớp học 4km chỉ toàn đường mòn, ổ gà, ổ voi, trời mưa nước đọng thành vũng, trơn trượt. Tuy ít học sinh nhưng tôi không cho phép mình nghỉ dạy một buổi nào vì học sinh đến lớp không có thầy thì bữa sau các em sẽ nghỉ học. Có hôm lớp chỉ duy nhất một học sinh, tôi vẫn phải dạy” - thầy Luận cho biết.
HOA NỞ GIỮA VÙNG BIÊN
Từ năm 2005-2014, Đồn biên phòng Tà Pét đã mở được 4 khóa học phổ cập giáo dục tiểu học với tổng số 40 học sinh. Trong đó, khóa 1 có 15 học sinh, khóa 2 có 14 học sinh, khóa 3 có 11 học sinh. Nhờ kiên trì, tận tâm nên cả 4 khóa học không có em nào nghỉ. Tình thầy trò ở lớp học thật đơn sơ, mộc mạc nhưng thiêng liêng, gần gũi. “Dù các em đã rời lớp đến những lớp học cao hơn nhưng tôi nhớ mãi giờ giải lao thầy trò cùng ngồi kể chuyện cho nhau nghe. Chuyện đi rừng của các em, chuyện về người lính của thầy, có khi tranh thủ giờ nghỉ, thầy dạy các em tiếng Kinh và ngược lại hoặc hướng dẫn các em chơi thể thao rèn luyện sức khỏe.
Với những thành tích đạt được, trong các năm 2012-2014, thầy Luận được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tặng giấy khen do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và UBND huyện tặng giấy khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục. Năm 2015, anh được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích phổ cập giáo dục. Em Lâm Đước được thầy Luận tận tâm giúp đỡ cho biết: “Nhờ có thầy mà em được đi học như bao bạn khác và tìm hiểu những kiến thức mới có ích cho bản thân. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy em cả về ý thức vươn lên trong cuộc sống”.
Thượng tá Hoàng Tất Thắng, Chính trị viên Đồn Tà Pét cho hay: Nhận thức của đồng bào nơi đây còn hạn chế nên chúng tôi phải vận động, tuyên truyền nhiều lần. Không được đào tạo bài bản nhưng chính sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và gần gũi với người dân mà thầy Luận được đồng bào tin tưởng, các em học sinh vùng biên quý mến.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065