LỚP HỌC ĐẶC BIỆT
Khi màn đêm buông xuống, mọi nhà bắt đầu lên đèn; từ trung tâm xã vượt hơn 7km trên con đường đất ngoằn ngoèo, đi tắt trong các vườn điều, cao su, chúng tôi mới đến được lớp học xóa mù chữ do Thiếu tá Ngô Minh Đức trực tiếp đứng lớp tại tổ Bào Đỉa, thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Gọi là lớp học nhưng thực tế chỉ là một phòng nhỏ chật chội mượn của người dân trên địa bàn. Dưới ánh đèn chạy bằng máy phát điện, 35 người với độ tuổi từ 4-40 đang chăm chú học từng nét chữ, con số do bộ đội Đức chỉ dạy
Thiếu tá Ngô Minh Đức dạy lớp xóa mù chữ tại tổ Bào Đỉa, thôn 7, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp
Thiếu tá Nguyễn Bảy Kha, Chính trị viên Đồn biên phòng Bù Đốp cho biết, lớp học xóa mù chữ tại tổ Bào Đỉa mở được 9 tháng nay, mỗi tuần 2-3 buổi, dạy vào buổi tối và là tâm huyết trong suốt nhiều tháng liền của Thiếu tá Đức. Anh đã kiên trì, lặn lội ngày đêm đi từng nhà vận động người dân đến lớp, rồi tìm hiểu để mượn nhà, mượn bàn ghế, tự tay sửa sang, dọn dẹp lại làm nơi dạy học. Có bàn ghế, có địa điểm song vẫn chưa đủ, anh Đức tham mưu đơn vị mua sắm toàn bộ sách vở, bút trang bị cho học viên. Khi chúng tôi thắc mắc về địa điểm tổ chức lớp học khang trang, sạch sẽ hơn và quan trọng là có điện lưới, Thiếu tá Kha lý giải: “Mở lớp ở nơi thuận tiện như vậy thì bà con ở thôn phải đi xa khoảng 4km. Nếu vậy sẽ không còn ai chịu đi học nữa”.
Ông Bùi Xuân Thung, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 7 cho biết: Bào Đỉa có hơn 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số và kiều bào Campuchia về sinh sống từ năm 2001 theo diện di cư tự do. Không điện, không đất sản xuất, nhà ở chỉ tạm bợ, đường đi rất khó khăn, cuộc sống của bà con quanh năm chỉ dựa vào tiền làm thuê trong các nông trường và công ty cao su trên địa bàn. Vì vậy, việc học hành của con em các gia đình ở đây không được chú trọng. Đa số người già không biết chữ, các cháu học cao nhất cũng chỉ đến lớp 3, lớp 4 là bỏ học để đi làm thuê, qua thời gian thì nguy cơ tái mù chữ cao.
Trong lớp học, chúng tôi đặc biệt chú ý một phụ nữ mái tóc hoa râm, cặm cụi viết từng nét chữ. Chị là Điểu Thị Hương trông già dặn hơn so với độ tuổi 40 rất nhiều. Thế nhưng đôi mắt của chị ánh lên một niềm tin, hy vọng: “Nhà mình nghèo không có tiền để học cái chữ. Thầy giáo biên phòng mở lớp dạy học miễn phí cho đồng bào nên cả 3 mẹ con cùng nhau đến lớp. Lớn tuổi rồi, tiếp thu chậm song mình cũng biết viết, biết đọc. Còn 2 con của mình (1 cháu 13 tuổi, 1 cháu 15 tuổi - PV) thì biết đọc, viết thạo lại còn biết cộng trừ con số nữa. Hy vọng các con biết chữ sau này sẽ không còn đói khổ như đời mình. Mình mang ơn thầy Đức lắm!...”.
THẦY GIÁO BỘ ĐỘI
Hơn 23 năm khoác trên mình màu xanh áo lính, 12 năm làm thầy giáo của những học sinh đặc biệt, anh Ngô Minh Đức đã trực tiếp vận động và dạy 11 lớp, trong đó có 4 lớp học xóa mù chữ, 7 lớp sau xóa mù chữ và bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, nhân dân biên giới với hơn 250 học viên. Đến nơi đâu nhân dân biên giới cũng dành cho anh sự mến mộ, gọi bằng cái tên thân thương: Thầy giáo bộ đội. “Có lẽ bà con ưu ái thôi chứ mình cảm thấy làm vẫn còn ít” - anh Đức nói.
Suốt nhiều năm mang trọng trách “người đưa đò” cho người nghèo địa bàn biên giới Bình Phước, anh Đức ấn tượng nhất với nghị lực, ý chí của già làng Điểu Đốc. Từ không biết chữ, sau khi tham gia lớp học xóa mù chữ do anh đứng lớp, ông Điểu Đốc đã được nhân dân tín nhiệm bầu làm già làng và là Bí thư Chi bộ thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng. “Nếu không có sự ân cần chỉ dạy của bộ đội Đức thì tôi không nghĩ có ngày biết đọc, biết viết. Giờ tôi tự tin để viết những nghị quyết sát thực tế cuộc sống của bà con” - ông Điểu Đốc nói. |
Với anh, việc khó nhất không phải khâu lên lớp mà là vận động được bà con đi học. Bởi trong nếp nghĩ người già không cần phải biết chữ; các cô gái thì mang nặng tâm lý xấu hổ, ngại ngùng; nhỏ tuổi hơn lại ham chơi, không hiểu được ý nghĩa của việc học chữ, biết chữ. Vận động được bà con đến lớp đã khó, duy trì sĩ số lớp học càng khó hơn. Nhưng khi hiểu được đồng bào thì sẽ có cách và cách anh Đức vẫn sử dụng đó là mua những món quà nhỏ tặng học viên. Anh chia sẻ: “Mình giao hẹn, nếu ai chăm chỉ đi học và biết đọc, biết viết sẽ được tặng quà. Chỉ đơn giản là gói mì, chai nước mắm hay gói kẹo, bánh, thế nhưng ở vùng biên giới nghèo khó này cũng trở thành động lực cho bà con”.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh lại đến từng gia đình để vừa chia sẻ, giúp đỡ và hướng dẫn thêm bài cho học viên. Đồng thời, cũng là cơ hội gần gũi, giúp bà con xóa đi sự ngại ngùng, tự ti, mặc cảm để mạnh dạn đến lớp học chữ, giao tiếp. Thiếu tá Đức tâm niệm, làm công tác vận động quần chúng là phải giản dị, gần dân để hiểu dân. Càng hiểu dân lại càng thôi thúc anh phải cố gắng nhiều hơn, làm thật nhiều việc ý nghĩa hơn nữa. Bà Điểu Thị Kim ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng xúc động: “3 đứa cháu ngoại tôi, nếu không có chú Đức hỗ trợ sách vở, bút mực rồi còn cho cả xe đạp nữa thì chắc tụi nhỏ phải bỏ học thôi...”. “Việc vận động quyên góp sách vở, quần áo và xe đạp cũ rồi tự bỏ kinh phí sửa chữa để tặng lại học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, hay trích tiền lương giúp đỡ bà con là việc mà bất kỳ ai cũng sẽ làm” - anh Đức phân trần.
Chúng tôi chia tay Thiếu tá Đức khi anh đang bận rộn với công việc ở lớp học bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ và nhân dân thôn Thiện Cư vừa mở lớp cách đây không lâu. Những hình ảnh anh ân cần, tỉ mẩn giảng giải kiến thức cho học viên đọng mãi trong tôi. Ở nơi khó khăn lại càng thấy rõ hơn tấm lòng của những người lính, xuất phát từ trái tim nhân hậu, mang đậm nét phẩm chất người lính Cụ Hồ.
Hồng Ánh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065