ẤP TRƯỞNG VÌ DÂN
Nhà của vợ chồng già làng Lâm Bắc ở giữa khu dân cư “xưa” nhất của người Khơme ở Lộc Khánh - ấp Chà Đôn. Trước sân là nhà văn hóa cộng đồng được thiết kế theo mẫu của người Khơme Đông Nam bộ. Ngày cuối năm, bóng của những cây thốt nốt in đậm dưới nắng vàng.
Già làng Lâm Bắc tặng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi chiếc gùi do ông đan
Ngôi nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng nói cười của người dân trong ấp đến nhờ già làng Lâm Bắc hướng dẫn làm các thủ tục như tách khẩu, giấy khai sinh cho con, cháu... Già khoe: “Tôi vinh dự là một trong những ấp trưởng người Khơme 3 lần được đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh miền núi phía Bắc và xúc động nhất là được đến thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác Hồ kính yêu”. Đó cũng là “gia tài” quý nhất của ông trong gần 35 năm làm ấp trưởng được lưu giữ bằng những tấm hình treo trên tường nhà.
Già làng Lâm Bắc nở nụ cười hạnh phúc: “Giờ mình tuổi đã cao, phải để cho lớp trẻ kế thừa nhưng cũng phải theo sát giúp đỡ và giám sát việc làm của chúng”. Nghỉ làm ấp trưởng nhưng già Lâm Bắc vẫn là người đại diện cho dân: Tổ trưởng HĐND xã và già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Già làng Lâm Bắc xúc động: “Trong kháng chiến người Khơme Lộc Khánh một lòng theo Đảng, Bác Hồ để giải phóng dân tộc. Chú tôi là Anh hùng Lao động Lâm Búp. Cha tôi là ông Lâm Chum, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh (1972-1980). Làm ấp trưởng từ năm 1983, tôi luôn ghi nhớ lời cha căn dặn: “Con hơn nhiều người Khơme là có cái chữ, làm cán bộ thì phải theo lời Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh””.
Ngày đó, ấp Chà Đôn có khoảng 100 hộ Khơme nhưng địa bàn rất rộng. Dân thưa nhưng không đường, không điện, cả ấp đều là hộ nghèo. Ấp trưởng không phụ cấp, chân đất xuyên rừng nhưng phải kiêm cả cán bộ khối vận 6 đoàn thể và là cộng tác viên dân số, y tế cộng đồng, khuyến nông. Kể cho chúng tôi nghe về công việc trưởng ấp thập niên 80-90 của thế kỷ XX, già làng Lâm Bắc nói: “Để có kinh nghiệm trong công việc, khi cán bộ tỉnh, huyện về xã làm việc mình theo sát để học hỏi. Cán bộ nói tiếng Kinh, mình phiên dịch tiếng Khơme cho bà con nghe. 35 năm trước cái gì cũng khó nhưng khó nhất là cái nghèo luôn đi kèm với lạc hậu. Ấp trưởng kiêm cán bộ khối vận nên tuyên truyền bà con phải từ thực tế, “cầm tay chỉ việc” và tùy theo mức độ nhận thức của từng người, từng hộ dân và phải có thời gian dài...”.
Già làng Lâm Bắc trầm tư: “Nếu không có Đảng, Nhà nước thì người Khơme ở Lộc Khánh vẫn còn triền miên trong đói nghèo và phải ăn củ mài, củ chụp suốt. Người Khơme có truyền thống sản xuất lúa nước nhưng trước đây giống lúa địa phương 6 tháng năng suất thấp, hạt gạo cứng vì bà con cấy xong là “giao khoán” cho ông trời. Từ khi có Đảng, Nhà nước thì nhiều cánh đồng có nước thủy lợi nội đồng sạ lúa 3 vụ. Cán bộ khuyến nông theo sát bà con “cầm tay chỉ việc” nên thay đổi giống lúa ngắn ngày thơm, dẻo, năng suất cao gần gấp đôi. Sống chung với các dân tộc anh em khác nên người Khơme không chỉ canh tác lúa mà còn học hỏi kinh nghiệm trồng cao su, điều, hồ tiêu ở những chân ruộng cao, đất gò đồi. Hiện toàn ấp có 133 ha cao su, 22 ha hồ tiêu và 22 ha điều. Trăn trở nhất của ấp Chà Đôn là năm 2017 toàn ấp vẫn còn 34 hộ nghèo và 86 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào Khơme.
Nói về trách nhiệm và tấm lòng của già làng Lâm Bắc, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh đã minh chứng bằng những con số, việc làm cụ thể: Là ấp đặc biệt khó khăn nhưng các khoản thu của Chà Đôn hằng năm đều vượt chỉ tiêu được giao, có năm đạt 110%, năm 2017 đạt 102%. Trước đây, bà con Khơme đa phần mù chữ thì nay ấp đã vận động 100% con em trong độ tuổi đến trường. Ấp Chà Đôn giải tỏa đền bù nâng cấp, mở rộng, làm mới các con đường giao thông đều do nhân dân tự nguyện hiến đất. Trong đó có sự góp sức không nhỏ của già làng Lâm Bắc.
Người Khơme rất quý ruộng lúa. Nhưng năm 1999, khi làm đường nhựa nối Lộc Thái - Lộc Khánh có gần 1km chạy qua cánh đồng Đông Ngô. Nhờ sự khéo léo của già làng Lâm Bắc và Bí thư Chi bộ Lâm Khên vận động nên bà con đã vui vẻ hiến ruộng để làm đường. Năm 2016, làm đường sỏi đỏ theo Chương trình 135 nối Chà Đôn - Ba Ven giải phóng mặt bằng qua nhiều vườn điều, hồ tiêu ở tổ 2, tổ 3 nhưng bà con hiến đất không đòi hỏi chính sách Nhà nước hỗ trợ cả trong đền bù cây cối. Từ năm 2015 đến nay, ấp Chà Đôn được đầu tư xây dựng 450m đường bê tông theo Đề án 03. Từ mặt đường bê tông chỉ 2,5m, Ban điều hành ấp đã vận động người dân hiến đất để mở rộng thêm 0,5m, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông.
“LINH HỒN” CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC KHƠME
Niềm tự hào của người Khơme Lộc Khánh là chùa Sóc Lớn - di tích văn hóa cấp tỉnh. Đây là ngôi chùa Khơme được xây dựng đầu tiên ở Bình Phước với bề dày lịch sử hơn 80 năm. Chùa Sóc Lớn cũng là trung tâm hành hương của Phật giáo Nam tông khu vực miền Nam với khoảng 10.000 lượt tín đồ hành hương/năm. Hiện nay, Lộc Khánh đang khởi động dự án du lịch cộng đồng. Già làng Lâm Bắc là thành viên chủ chốt dạy lớp trẻ các bài hát trong lễ cúng, cưới hỏi và nghề truyền thống đan gùi, chiếu lùn... của người Khơme để phục vụ du lịch. Ngày nay, tại các lễ hội dân tộc Khơme như phá bàu, xuống đồng, già làng Lâm Bắc đều đứng ra làm chủ lễ cúng, điều hành lễ của Hội đồng già làng.
Cộng đồng dân tộc Khơme Lộc Khánh được Bảo tàng tỉnh Bình Phước chọn phục dựng các lễ hội phá bàu, xuống đồng thành công. Phó giám đốc Bảo tàng Bình Phước Phạm Hữu Hiến khi nhận xét về già làng Lâm Bắc khen ngợi: “Ông là thành viên của Bảo tàng Bình Phước trong phục dựng các lễ hội và tập tục cưới hỏi của văn hóa Khơme. Điều đáng nói là ông biết chắt lọc nét đẹp văn hóa Khơme để bảo tồn và tuyên truyền phát triển trong cộng đồng theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những tập tục cổ hủ ông khuyên dạy bà con nên bỏ để hòa nhập cuộc sống hiện nay”...
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065