Rất đông các em nhỏ người dân tộc thiểu số theo học lớp tình thương của thầy Hai ngày cuối tuần
Hạnh phúc của người làm thầy
Không tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, nhưng 8 năm nay ông Hai vẫn cần mẫn bên trang giáo án soạn riêng để dạy chữ cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số.
Ông Hai kể: “Những ngày đầu đi xây dựng kinh tế mới ở huyện biên giới Lộc Ninh, tôi phải làm nhiều việc để kiếm sống. Đi nhiều nơi, tôi gặp nhiều em nhỏ không được đến trường. Xung quanh nơi tôi ở phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số người Khơme, Xêtiêng. Hàng ngày chứng kiến các em nhỏ lùa trâu ra đồng rồi lùa về, đứa nào cũng mặt mũi lấm lem bùn đất. Lân la hỏi chuyện mới biết hầu hết các em đều không được đi học. Cuộc sống khó khăn, để có cái ăn cái mặc còn khó chứ nói gì chuyện cắp sách tới trường. Vì thế, chuyện đi học là điều các em không dám mơ tới. Từ đó, tôi nảy ra ý nghĩ mở lớp phổ cập để dạy chữ cho các em nhà nghèo không được đến trường. Nghe đến học chữ, em nào cũng sợ, có em níu áo tôi nói: “Ở nhà chăn trâu mới no cái bụng”. Nghe những lời đó, tôi động viên các em học chữ để sau này bớt khổ, nhiều em hiểu ra mà theo học”.
Sau mỗi giờ đứng lớp, ông Hai tới nhà từng em để thăm hỏi, đồng thời học văn hóa giao tiếp của đồng bào
Không có anh em, họ hàng ở gần, lại không có vợ con nên ông Hai lấy việc dạy chữ cho trẻ em nghèo làm niềm vui. Là người theo đạo Công giáo, ông Hai thấm nhuần lời dạy của Chúa, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn là sống tốt đời đẹp đạo. Ban ngày đi làm, ông Hai tranh thủ dạy buổi tối, học sinh lớp phổ cập có độ tuổi từ 7-17, đều là con những hộ nghèo trong xã. Nhiều em đến lớp không có tập, sách, quần áo lem thuộm. Ông Hai vận động xin cho các em.
Đi học vui, lại được thầy Hai chỉ dạy tận tình nên lớp học ngày càng đông, phụ huynh thấy được lợi ích của lớp học nên đóng góp mua thêm bàn ghế. Ông Hai cũng vận động các nhà hảo tâm quyên góp xây dựng lớp học rộng rãi hơn. Với vài học sinh ban đầu đến nay lớp học lên tới 60 em từ cấp 1 đến cấp 3. Sau giờ học ở trường, các em lại đến chỗ ông Hai học phụ đạo. Thương ông Hai đã già, sinh viên tình nguyện ở các trường đại học tranh thủ nghỉ hè về đứng lớp phụ giúp ông và tổ chức sinh hoạt tập thể. Thấy con mình đi học không tốn tiền, lại biết cái chữ, ngày càng ngoan hơn nên cha mẹ các em rất vui vẻ, lại đồn nhau cho con tới học chỗ ông.
Yêu văn hóa đồng bào
Ông Hai nói: “Niềm hạnh phúc vô bờ của tôi là các em đã hiểu đạo lý làm người biết quan tâm và chia sẻ lúc tôi bị bệnh và điều đó có nghĩa là các em đã biết yêu thương những người xung quanh”. Ông Hai còn chỉ cho người dân biết nghe đài, xem tivi, nghe dự báo thời tiết để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp.
“Lộc Phú là xã vùng sâu, xa, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, nếu không hiểu văn hóa và linh hoạt trong cách truyền đạt thì các em rất khó tiếp thu. Vì vậy, sau giờ học của các em là giờ học của thầy. Ngoài việc tới nhà người dân học văn hóa giao tiếp của đồng bào, tôi còn mua sách dạy chữ Khơme về học. Thương các em không biết chữ nên mở lớp dạy, chứ tôi có phương pháp sư phạm gì đâu. Từ chỗ không biết mà tìm hiểu đến yêu luôn văn hóa của đồng bào lúc nào không hay” - ông Hai tâm sự.
Thấy chúng tôi có vẻ chưa tin, ông Hai lấy bộ cồng chiêng 15 cái đánh bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bộ cồng chiêng 15 cái đánh rất khó, đòi hỏi một đội phải có 8 người, 2 người đánh chính, 5 người đánh đệm, 1 người đánh trống. Đội cồng chiêng do ông Hai làm đội trưởng đã nhiều lần tham dự nhiều lượt liên hoan lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh. “Những lúc rảnh rỗi tôi vẫn thường xuyên chỉ cho các bạn trẻ người Xêtiêng trong xã, nhưng dường như giới trẻ bây giờ không mặn mà với nét văn hóa truyền thống này” - ông Hai trăn trở.
Không chỉ biết chơi các loại nhạc cụ như ghita, organ, sáo...ông Hai còn biết đánh cồng chiêng. Ông Hai biết đánh cồng chiêng 5 cái của người Xêtiêng và cồng chiêng 15 cái của đồng bào Tây Nguyên. Dựa vào kiến thức âm nhạc từng học, cộng thêm niềm đam mê đặc biệt với cồng chiêng, chỉ sau 1 năm tìm hiểu, ông Hai có thể đánh thành thục. Theo ông, cồng chiêng của người Xêtiêng không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng, độc đáo bởi kỹ thuật diễn tấu mà còn là biểu tượng cho đời sống các tộc người. Nếu không gìn giữ thì bản sắc này sẽ bị mai một. Bất kể ai cũng có thể học đánh để hòa mình vào nhịp sống của đồng bào dân tộc Xêtiêng. |
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065