Ông Lâm Unh (thứ 2, bên phải) cầm sợi dây thừng giao bò tận tay đồng đội
6 người con đã ở riêng đều theo gương ba làm kinh tế giỏi. Vợ chồng ông Lâm Unh - bà Thị Soi (80 tuổi) sống giữa khu dân cư của người Khơme xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Căn nhà nhỏ trên tường chỉ đủ treo Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (năm 2012) và tấm ảnh ông Lâm Unh thời trai trẻ trong quân phục bộ đội Cụ Hồ lấp lánh huân, huy chương trên ngực. Bà Thị Soi nói tiếng Kinh không rành, miệng bỏm bẻm nhai trầu bên bếp lửa.
“GIA ĐÌNH TÔI THOÁT NGHÈO NHỜ NUÔI BÒ RẼ”
Đó là lời nói từ đáy lòng của chị Thị Ch Rách ở tổ 3, ấp Sóc Lớn. Năm 2009, gia đình anh Lâm Mích - chị Thị Ch Rách nhận nuôi rẽ 3 con bò cái và 1 con bò đực của ông Lâm Unh. Đến năm 2012, đàn bò phát triển thêm 6 con, gia đình họ được 3 con bán làm vốn để trồng 150 nọc tiêu và 1,5 ha cao su. Mùa tiêu 2014-2015, gia đình chị Thị Ch Rách thu được 4 tạ tiêu khô. Nhờ trồng theo phương thức gối đầu cuốn chiếu nên nay gia đình chị đã có 300 nọc tiêu 1-3 năm tuổi. Cũng trong năm 2012, từ đồng vốn bán bò, gia đình chị Ch Rách mua giống trồng được 1,5 ha cao su. Vườn cao su kiến thiết cơ bản chị Ch Rách trồng xen mì để lấy ngắn nuôi dài. Chị cho biết, gia đình đầu tư sản xuất bài bản như vậy cũng là nhờ ông Unh hướng dẫn.
Nằm giữa cánh đồng Chùa, đến thăm nhà của anh Lâm Mích - chị Thị Ch Rách, chúng tôi phải men theo đường bờ bao ruộng lúa chỉ đủ lọt bánh xe gắn máy. Buổi sáng giữa mùa mưa, anh Lâm Mích bận đi bón phân cho lúa ở ấp Đồi Đá. Chị Ch Rách cũng bận làm cỏ mì trồng xen trong vườn cao su và chăm sóc vườn tiêu. Chị Ch Rách xúc động: “Nhà có 6 miệng ăn. Khi ở riêng, cha mẹ để lại hơn 2 ha đất và 4 sào lúa nhưng do không có vốn nên chỉ trồng cây ngắn ngày. Giá cả bấp bênh, vợ chồng “lấy công làm lãi” nên năm nào khá cũng chỉ đủ ăn. Năm 2009, ông Lâm Unh cho nuôi bò rẽ, đồng thời hướng dẫn chăm sóc bò khỏe, mắn đẻ. Mùa mưa gia đình tôi cắt cỏ ven bờ ruộng cho bò ăn. Nhà có ruộng nên trữ được rơm nuôi bò qua mùa khô. Bò đẻ, ông Unh 1 con, tôi 1 con. Đến năm 2012, gia đình tôi có 3 con bò và quyết định bán hết đầu tư cho sản xuất. Năm đó, tiêu bắt đầu có giá nên gia đình tôi xuống giống 150 nọc. Nhà có công lao động nên vợ chồng thống nhất trồng 1,5 ha cao su. 4 sào lúa đủ gạo ăn quanh năm và chăn nuôi gà, vịt. Năm nay bán tiêu có tiền, gia đình tôi trồng thêm 150 nọc. Nhờ nuôi bò rẽ của ông Lâm Unh mà nay gia đình tôi thoát nghèo”.
Hỏi về đàn bò sau 10 năm cho nuôi rẽ, ông Lâm Unh phải kiểm lại toàn bộ hộ nhận nuôi ở 3 xã Lộc Khánh, Lộc Điền, Lộc Quang để tập hợp số liệu chính xác. Ông nói: “Bò mình thả được trên “đồng cỏ” nào tốt thì mình vui vì hộ đó thoát được nghèo nhưng ngược lại “đồng cỏ” nào xấu (hộ không biết vươn lên) thì cũng đành chịu”.
Nhẩm đếm, ông Unh thống kê: “Hộ Lâm Mích ở ấp Sóc Lớn 6 con; Lâm Xnoc ở ấp Chàng Hai (Lộc Quang) 7 con; Lâm Đuây ở ấp 4 (Lộc Điền) 5 con; Lâm Khanh ở ấp 4 (Lộc Điền) 3 con; Lâm Nên ở ấp Sóc Lớn (Lộc Khánh) 6 con...”. Sau 10 năm, có 18 hộ nhận nuôi bò rẽ của ông Lâm Unh, phát triển đàn được 50 con.
Ông Lâm Unh kể: “Năm 2005 vợ chồng tôi tích góp từ bán lúa, chặt tre... dồn mua được 2 con bò. Có bò, tôi đã nghĩ đến phương thức cho hộ nghèo nuôi rẽ để giúp bà con phấn đấu có vốn, vươn lên từ nội lực mà không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vợ tôi đồng ý nên tôi lên danh sách hộ nghèo động viên họ nuôi bò để tạo vốn”.
ĐẢNG XÂY NHÀ MỚI, ĐỒNG ĐỘI GIÚP BÒ, CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH TÔI SẼ TỐT HƠN
“Khi còn trẻ tui theo cách mạng để góp sức giành tự do cho dân tộc, người dân được tự chủ vươn lên. Nay vợ chồng tui không giàu nhưng có đủ cơm ăn, khá hơn một số hộ khác. Làm việc gì để giúp dân thoát nghèo, tui nghĩ đó cũng là trách nhiệm của đảng viên trong thời bình. Lão thành cách mạng Lâm Unh nói về 10 năm cho dân nuôi bò rẽ |
Những ngày cả nước vui mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, căn nhà nhỏ của đảng viên Lâm Unh càng ấm nghĩa tình đồng đội khi UBND xã tổ chức lễ giao bò tại sân nhà ông. Ông Lâm Unh tay run run cầm sợi dây thừng dắt bò trao vào tay đồng đội Lâm Dách, 87 tuổi, 53 tuổi đảng ở tổ 4, ấp Sóc Lớn. Trong chiến đấu hai ông đều là cán bộ nằm vùng nắm tình hình của địch và vận động bà con Khơme sản xuất lương thực tiếp tế cho bộ đội. Sau giải phóng, ông Lâm Unh góp sức xây dựng Hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp Lộc Khánh những năm 80-90 của thế kỷ XX. Buổi lễ giao bò có chứng kiến của lãnh đạo xã, ban ấp và con trai út Lâm Bách đến động viên. Lâm Bách là nông dân sản xuất giỏi.
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh phấn khởi: “Khi được xã đồng ý tiếp nhận bò xóa đói giảm nghèo, ông Unh đã khẩn trương đến các hộ nhận nuôi bò rẽ chọn con bò tốt nhất giao cho chương trình. Con bò cái bụng tròn vo vì đang mang thai nên chỉ ít tháng nữa gia đình ông Lâm Dách - bà Thị Phát (67 tuổi) sẽ có con bê làm vốn”.
Phó chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Huỳnh Thanh An cho biết: Lộc Khánh có hơn 60% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khơme nên vẫn còn rất nhiều hộ nghèo. Gia đình ông Dách chỉ có mảnh vườn nhỏ nhưng có tới 4 miệng ăn, gồm vợ chồng ông, mẹ vợ (95 tuổi) và con gái út (30 tuổi) bị di chứng chất độc da cam. Trong dịp này, hộ đảng viên nghèo Lâm Dách còn được Tỉnh ủy xây tặng “Nhà nghĩa tình đảng viên”. Ngoài kinh phí 50 triệu đồng Tỉnh ủy phân bổ, xã Lộc Khánh vận động doanh nghiệp, trang trại đứng chân trên địa bàn ủng hộ thêm 17 triệu đồng để căn nhà khang trang, chắc chắn hơn. Nhà nghĩa tình đảng viên Lâm Dách khánh thành trong những ngày lễ trọng đại chào mừng 70 năm Quốc khánh 2-9.
Được nuôi bò do đồng đội tặng và Đảng xây nhà mới, vợ chồng ông Lâm Dách không cầm được nước mắt: “Có bò, có nhà mới, cuộc sống của gia đình tôi chắc chắn sẽ khá lên”.
Ông Lâm Unh luôn gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trước đây, 28 hộ dân của tổ 2 muốn ra đường nhựa liên xã phải bì bõm lội bùn trên lối mòn nhỏ. Khi được xã chọn làm đường mới bê tông theo Đề án 03 của huyện, ông đã tự nguyện hiến đất mở đường. Đoạn đường dài 338m, trong đó 100m đi qua vườn nhà ông Unh. Chờ có đường bê tông, ông Unh vận động các con đổ đá làm nền đường giúp dân đi lại dễ hơn. Trưởng ấp Sóc Lớn Lâm Lốt |
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065