Con trai tôi chuẩn bị vào lớp 5. Nếu bảo cháu hư hỏng, khó bảo ban là không công bằng. Cháu khá nghịch ngợm, lên lớp thi thoảng có đánh nhau với bạn bè. Lúc thì lỗi do phía cháu, khi thì lỗi do bạn trước. Ở nhà bình thường cháu rất nghe lời bố mẹ, nhưng nếu cháu làm sai chuyện gì mà quát mắng to là sẽ cãi lại.
Cách đây hơn một năm, tôi đã nhận ra sai lầm trong cách dạy con. Chuyện bắt đầu từ việc cháu lấy trong túi xách của bà nội một tờ bạc 200.000 đồng để đi chơi điện tử ngoài quán Internet. Phát hiện điều này, tôi rất giận nên nọc cháu ra đánh một trận ra trò. Ngoài ra, tôi còn gọi điện “mách” chuyện cháu hư với ông bà ngoại (cách nhà tôi hơn chục cây số) và dì, cậu đang sống và làm việc ở Hà Nội.
Từ đấy, con trai tôi trở nên lầm lì và ít nói hẳn. Cháu không hào hứng đến nhà ông bà ngoại như trước. Mỗi lần dì hay cậu gọi điện về, cháu trốn biệt, nhất quyết không chịu nghe máy. Khi tôi hỏi tại sao lại có thái độ như vậy, cháu thút thít nói rằng: “Con xấu hổ với ông bà ngoại. Con cũng sợ dì với cậu chê con hư, không thương con nữa. Tại mẹ mách đấy”.
Tôi khá bất ngờ trước lời nói của con. Tôi vẫn biết rằng ở nhà thi thoảng cháu cãi lời bố mẹ nhưng đến nhà ông bà ngoại thì ngoan lắm. Có lúc cháu còn nói “Con thần tượng dì và cậu”. Nếu theo cách hiểu của tôi nghĩa là cháu không muốn “thần tượng” thất vọng về mình chăng?!
Trong suy nghĩ của tôi thì chỉ đơn giản là kể lại hành động xấu của con với ông bà ngoại, với dì, với cậu cốt yếu để cháu xấu hổ mà rút kinh nghiệm, không dám phạm sai lầm nữa. Ai ngờ điều đó lại làm con tổn thương và sợ hãi đến vậy.
Sau này tôi để ý dù tiền tôi để vương trên bàn nhưng cháu tuyệt nhiên không bao giờ lấy. Nhưng một điều khiến tôi rất lo lắng là cháu thường xuyên nói dối hơn. Chỉ được 9 điểm nhưng cháu lại khoe là được 10. Có lần cháu được điểm 1 nhưng lại lấy bút viết thêm số 0 đằng sau thành điểm 10 để đánh lừa bố mẹ. Khi tôi tra khảo, răn dạy, con trai tôi nói thế này: “Con sợ mẹ lại đi mách với ông bà ngoại. Mọi người sẽ cười con là học dốt nên mới phải nói dối chứ?”.
Đó là lý do để con tôi nói dối ư? Trước đây thi thoảng cháu có cãi lời hay phản ứng lại nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nói dối. Ấy vậy mà bây giờ tôi khá thất vọng khi con trở nên ăn nói lắt léo để trốn tội. Tôi không tin vào lý do cháu đưa ra, nhưng có lần đang nằm sấp xuống giường để mẹ đánh vào mông, con tôi bất ngờ nói: “Mẹ đánh đòn con, đau thế nào cũng được. Nhưng mẹ đừng có gọi điện kể xấu con với dì và cậu nhé”.
Nghe thằng con ngây thơ phân bua, lại còn “ra điều kiện” với mẹ, tôi thấy giật mình. Tôi không ngờ chỉ vì một lần vô tư “kể tội” con mà lại có kết quả tiêu cực như vậy. Cháu nói rõ ràng rằng sợ ông bà ngoại, dì và cậu biết điểm kém nên mới phải nói dối. Tôi nghe vừa giận vừa thương. Tôi ngộ ra rằng đôi khi chỉ một chuyện rất nhỏ nhặt nhưng nếu làm cha làm mẹ mà không hiểu con thì rất dễ làm con tổn thương, buộc con phải nói dối. Ở trường hợp này, lỗi nói dối đâu thể đổ hết cho con?
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065