BP - Ngày 13-3 tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, muốn thu hồi tài sản tham nhũng phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, mấu chốt của vấn đề là phải nghiêm túc thực hiện việc kê khai, minh bạch nguồn gốc tài sản và thu nhập của các đối tượng theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời đề xuất quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài nhằm phòng ngừa khả năng người tham nhũng tạo dựng cơ sở kinh tế để trốn ra nước ngoài sau khi đã thực hiện hành vi tham nhũng trong nước.
Theo thông tin của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), tổng số tiền thu hồi được từ các vụ việc tham nhũng trong năm 2014 chỉ là 1.500 tỷ đồng/6.740 tỷ đồng bị thiệt hại, chiếm 22,25% (năm 2013, con số này chỉ khoảng 10%). Điều này cũng đồng nghĩa với việc còn 5.240 tỷ đồng chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được và liệu có thu hết được số tiền này không là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Chúng ta vẫn còn nhớ vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Hai bị cáo đầu sỏ là Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc đã bị tuyên án tử hình. Đồng thời, mỗi bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước 110 tỷ đồng. Giấy trắng mực đen là như vậy nhưng liệu bị cáo và gia đình bị cáo có nghiêm chỉnh chấp hành? Nếu họ cứ “cù nhầy” không chịu bồi thường thì sẽ xử lý ra sao? Hơn ai hết, những kẻ tham nhũng vừa có quyền vừa có tiền lại lắm âm mưu, thủ đoạn. Vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lóa mắt trước đồng tiền, chúng sẵn sàng bất chấp, biết sai nhưng... vẫn làm. Tài sản có được từ tham nhũng sẽ nhanh chóng được “hợp thức hóa” bằng cổ phần, cổ phiếu, bất động sản... đứng tên người khác. Trước đây là vợ, con đứng tên thì nay đã “sang tên đổi chủ” qua cho bà con họ hàng để qua mặt các cơ quan chức năng nếu chẳng may bị phanh phui.
Bài học nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do tham nhũng gây ra là phải đấu tranh, triệt tiêu tham nhũng khi vừa manh nha. Bởi không gì có thể qua được tai mắt của quần chúng nhân dân. Đồng thời nghiêm khắc xử lý cán bộ, đảng viên không trung thực trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Đây là vấn đề cốt lõi của công tác phòng, chống tham nhũng. Có một thực tế đang tồn tại là khi kê khai thì nhiều “công bộc” chỉ kê khai chiếu lệ, ở mức “thường thường bậc trung”. Đến khi đụng chuyện mới “lòi” ra những khối tài sản rất lớn khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về nguồn gốc.
Đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài và gian nan. Bởi suy cho cùng, chỉ những người có địa vị, quyền lực mới có điều kiện tham nhũng. Bác Hồ đã ví tham nhũng như một thứ ung nhọt trong người, làm suy yếu cơ thể và cần phải cắt bỏ. Muốn tiêu diệt được thứ “giặc nội xâm” này đòi hỏi sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội từ trung ương đến cơ sở. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan thông tấn, báo chí, các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng; đảm bảo tính trung thực, khách quan, kịp thời, nghiêm minh trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng.
Chính Trực
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065