Có thể do Thanh Tùng là người trách nhiệm với ca từ, thể hiện khi ông thần tượng Elton John - người nổi tiếng về ca từ, ca khúc. Cũng có thể do ước mơ hồi nhỏ trở thành đại văn hào đã giúp Thanh Tùng đọc nhiều sách, thẩm thấu nhiều và kỹ năng mài giũa ngôn ngữ tốt. Hoặc có thể do ông là “người con ba miền” nên vốn ngôn ngữ phong phú... Nhưng quy lại vẫn là cách Thanh Tùng viết ca khúc thật như trong lòng, viết mà không che giấu, chối từ cảm xúc. Bạn hãy thử nghĩ, những lúc bản thân bỗng cất lên tiếng hát (dẫu thường ngày không thích hát, không biết hát) sẽ nhận ra các câu hát sát với tâm trạng. Điều gì đang xảy ra - đó là cảm xúc thăng hoa và tiếng lòng được biểu lộ. Ca từ được thốt lên kỳ diệu, không cần chọn lọc, đắn đo. Thanh Tùng - người nhạc sĩ đa cảm cũng vậy, thảng thốt trước một hình bóng đẹp, một lời trách móc hay một nỗi thương nhớ... để nhạc phẩm ra đời được liền mạch cảm xúc. Người ta nói, khi cảm xúc - một chất liệu thơ - có sẵn trong bài hát, ca từ trở nên tuyệt đẹp.
Nhạc sĩ Thanh Tùng ngồi xe lăn từ năm 2008 sau cơn tai biến - Nguồn: Kenh14.vn
Trong “Một mình”, Thanh Tùng sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc tả. Nhờ chúng, ca khúc ra đời đã tràn đầy sức sống, giàu tính thơ. Dễ nhận ra nhất “Một mình” xuất hiện nhiều từ láy. Từ láy gối lên nhau làm cảm xúc cũng gối lên nhau. Cả bài hát có 16 câu thì 9 câu chứa 11 từ láy. Câu “Bơ vơ chốn xa xôi” có 3 từ thì 2 từ đã láy. Ngay tại khổ 1, các từ láy “ngẩn ngơ”, “thì thầm”, “một mình” khẳng định từ đầu nỗi cô đơn, nỗi nhớ da diết của “kẻ một mình” Thanh Tùng. Sau đó, nỗi nhớ lặp lại trước nhiều từ láy nối tiếp chỉ hình ảnh tảo tần, hy sinh của người vợ vì chồng vì con: “vội vàng”, “chênh vênh”, “nghiêng nghiêng” (khổ 2); “ngất ngây”, “đêm đêm”, “liêu xiêu” (khổ 4)... Đa phần các từ láy xuất hiện trong “Một mình” đều dành cho người vợ đã mất khiến cảm xúc của Thanh Tùng bị dồn lại. Ông nhận về mình nỗi cô đơn tột cùng - “Cô đơn cùng với tôi về”.
Ngoài sử dụng từ láy, nhạc sĩ dùng dấu ba chấm (...) với 2 lần xuất hiện để thay thế từ ngữ muốn nói. Với mục đích này, dấu ba chấm không còn là dấu câu, nó trở thành “biểu tượng của cảm xúc” và cuốn vào những cơn sóng se sắt đang cuộn dâng trong lòng. Câu thứ 4 với 6 từ và dấu ba chấm - “Đêm nay tôi lại một mình...” (thay vì 7 hoặc 8 từ như các câu trước) khiến người nghe thảng thốt trước nỗi “nhớ em” của tác giả. Khi dấu ba chấm lặp lại ở câu cuối - “Cô đơn cùng với tôi về...”, nó trở thành tuyên ngôn tình yêu của Thanh Tùng dành cho vợ.
Việc đưa biện pháp tu từ - điệp từ “tôi” và “ai” vào “Một mình” cũng giúp Thanh Tùng gắn “tôi” trong cái vô cùng “ai”. Thật khó chịu đựng nỗi nhớ, sự cô đơn khi “tôi” vẫn là tôi mà “ai” cũng là tôi. 3 cặp câu gần giống nhau: “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/ Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên/ Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Đêm nay tôi lại một mình...”. “Vắng em còn lại tôi với tôi”, “Vắng em đời còn ai với ai” kéo nỗi nhớ dài thêm. Và những từ, cụm từ đồng nghĩa cạnh nhau: “mênh mông” - “chân trời lạ”, “bơ vơ” - “chốn xa xôi” làm không gian bao la chứa chan miền thương nhớ, tình yêu.
Làm thế nào để lái cảm xúc sang hướng tươi mới hơn - đừng cô đơn suốt đời?! Quả thực khó khi Thanh Tùng cảm nhận càng cô đơn càng thấy thủy chung; khi gió và mưa cũng bị sức mạnh ca từ tách rời trong nỗi nhớ, nỗi cô đơn riêng của mưa, gió.
Cẩm Thơ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065