BP - Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp hiện chiếm 38,5%, công nghiệp 32,2%, dịch vụ 29,3% - kém xa so với bình quân cả nước (nông nghiệp 17%, công nghiệp 39%, dịch vụ 44%). Tháng 10-2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 cơ cấu kinh tế Bình Phước nông - lâm - thủy sản 32,4%; công nghiệp - xây dựng 30%; thương mại - dịch vụ 37,6%. Điều đó cho thấy kinh tế nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh thời gian tới. 5 năm qua, cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nhưng trồng trọt vẫn chiếm tới 87,34%, chăn nuôi 11,68%, dịch vụ 0,97% - là con số chứng minh cho một nền nông nghiệp kém phát triển.
Trước thực trạng đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong quản lý vĩ mô của tỉnh nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng.
TÁI CƠ CẤU THEO HƯỚNG NÀO?
Tháng 6-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Một trong những quan điểm của đề án là tăng cường sự tham gia của tất cả thành phần kinh tế, xã hội từ trung ương đến địa phương trong quá trình tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Đề án đưa ra định hướng chung trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp cần được tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi. Trong ảnh là phát triển đàn trâu của nhân dân Sóc Ruộng, xã Tân Quan, Hớn Quản - Ảnh: S.H
Trong từng lĩnh vực cụ thể, đề án xác định: Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền... Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất... Khuyến khích chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; mở rộng áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm... Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu...
NHỮNG ĐẶC THÙ CỦA BÌNH PHƯỚC
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là năng suất bình quân còn thấp so với tiềm năng; các mô hình ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Tuy đã hình thành các vùng chuyên canh về cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu với sản lượng khá lớn nhưng chưa hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm nên vẫn còn nhiều bất cập trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, đầu tư chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng. Chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài từ giống đến thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ (như Công ty CP, Công ty Japfa, Công ty Emivest...), nông dân chủ yếu nuôi gia công, người nông dân chưa có sự liên kết và hợp tác với nhau trong bảo vệ quyền lợi nên dễ bị thua thiệt khi giá cả biến động bất lợi. Chăn nuôi nông hộ chưa được hỗ trợ phát triển đúng mức. Sử dụng đất chưa hợp lý, nhiều diện tích đất trồng cây hằng năm được chuyển sang trồng cây lâu năm trong điều kiện thích nghi của đất không thích hợp...
Chăn nuôi của tỉnh hiện chỉ chiếm 11,68% - một tỷ lệ quá thấp trong cơ cấu của một nền nông nghiệp phát triển. Trong ảnh: Thu gom trứng tại trại gà Hùng Nhơn, huyện Đồng Phú
Để khắc phục những hạn chế đó và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững của Chính phủ và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 6-12-2013 của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đề án là một phần của tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh đến năm 2020, gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu như đề án của Chính phủ đặt ra, ngành nông nghiệp của tỉnh còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất rừng sản xuất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nâng tỷ lệ che phủ chung (rừng tự nhiên, rừng trồng và cây đa mục đích) cho toàn tỉnh đạt 74,7%. Phát triển thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi vừa tạo nguồn sinh hoạt và phục vụ công nghiệp; phòng, chống lụt, bão, hạn hán; phấn đấu nâng tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt sạch hợp vệ sinh đạt trên 95%. Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn, gồm giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, thu nhập tăng đạt tiêu chí theo quy định, 100% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 80% số dân tham gia bảo hiểm y tế.
VÀ CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp đã đưa ra 10 giải pháp chủ yếu, trong đó có những vấn đề cốt lõi, như: Nâng cao chất lượng quy hoạch, rà soát quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích với các mô hình trồng xen, chăn nuôi dưới tán; kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, chú trọng phát triển chăn nuôi bò sữa… Tập trung xây dựng các chuỗi giá trị trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhất là các sản phẩm tuy có sản lượng lớn nhưng chưa hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị như điều, tiêu, cây ăn trái... Xây dựng các vùng sản xuất sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm... Đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đặc biệt chú trọng các công trình tưới cây trồng cạn, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và phát triển chăn nuôi. Phát triển thủy sản đa dạng trên ao, hồ, mặt nước lớn... Tiếp tục phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường gắn với du lịch sinh thái theo nguyên tắc bền vững... Phát triển nông thôn gắn liền với chương trình xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư biên giới, những điểm dân cư mới hình thành... Tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới...
Với chiến lược cụ thể, bài bản được xây dựng trong tổng thể chung của cả nước, hy vọng rằng ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, qua đó góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn tỉnh.
Hải An
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065