Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Giở lại từng trang lịch sử, mỗi người dân Bình Phước đều rất đỗi tự hào với những chiến công trên quê hương. Lộc Ninh của Bình Phước là nơi có khu rừng Tà Thiết đã ghi dấu ấn chói ngời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tà Thiết là khu “rừng Chính phủ”, là nơi phát lệnh Tổng tấn công của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
CĂN CỨ TÀ THIẾT
Ngay sau ngày giải phóng Lộc Ninh, Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết, với lý do khí hậu ở đây ít khắc nghiệt, địa thế rừng giải phóng rộng lớn. Đặc biệt, Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo, tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường miền Nam.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước và Quân khu 7 đi kiểm tra việc triển khai thực hiện Dự án Khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết - Ảnh: T.L
Tại căn cứ Tà Thiết thời kỳ ấy đã có nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt. Đây là nơi đã diễn ra các cuộc họp và tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu - Trung ương Cục miền Nam. Tại hội trường mái lá trung quân dưới cánh rừng Tà Thiết, ngày 8-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Và cũng tại nơi này, Bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị Trung ương đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đáp ứng nguyện vọng đó, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành chiến dịch mang tên Bác: Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Như vậy, căn cứ Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử là căn cứ cuối cùng của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền; đồng thời đây cũng là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
RỪNG TÀ THIẾT
Rừng Tà Thiết là khu rừng lịch sử mang trên mình những chiến công hào hùng của quân và dân ta trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giá trị lịch sử của khu rừng là rất lớn, vì vậy từ năm 1986, UBND tỉnh Sông Bé cũ đã quy định: “Đây là khu di tích lịch sử có giá trị cần bảo vệ để phát huy tác dụng. Khu vực cấm mọi hành vi xâm phạm có chiều dài 4.000m, rộng 3.000m, tổng diện tích 1.200 ha. Khu vực này cấm xây dựng hoặc vi phạm. Không một tổ chức, cá nhân nào tự ý tháo dỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại, giảm giá trị vốn có của di tích”. Năm 1998, Quân khu 7 cùng tỉnh Bình Phước đã quyết định xây làng mới cho người dân Tà Thiết, đưa người dân của ấp ra khỏi khu rừng. Năm 2002, ngôi làng Tà Thiết được dời về nơi mới, với 62 căn nhà cấp 4, mỗi căn tọa lạc trên 3 ha đất. Làng mới còn có một trạm y tế, một trường học, một nhà văn hóa, đời sống người dân Tà Thiết từng bước ổn định và phát triển.
Tà Thiết - nơi âm vang chiến dịch mang tên Bác năm 1975 bây giờ là Di tích cấp quốc gia, có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, dự án Khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết là một trong những dự án lớn của tỉnh Bình Phước đã và đang được triển khai thực hiện. Theo đó, quy mô của dự án có tổng diện tích trên 3.854 ha, bao gồm 6 phân khu chính. Đó là: Phân khu vùng lõi di tích lịch sử; khu du lịch dịch vụ; khu tái hiện Bình Phước thu nhỏ; khu vườn cây trái Nam bộ; khu bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên và khu đầu tư phát triển cao su. Hiện tỉnh đã hoàn thành công tác cắm mốc lộ giới quy hoạch chung của dự án, cắm mốc giới phân khu 1 (vùng lõi) và phân khu 6 (vùng dự án trồng cao su). Đây là công trình di tích có ý nghĩa thiết thực và hết sức quan trọng đối với lịch sử tỉnh Bình Phước nói riêng và cả dân tộc nói chung.
Khu di tích Tà Thiết sẽ là nơi để giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc; đồng thời thu hút khách du lịch về Bình Phước tham quan, tìm hiểu mảnh đất, con người nơi đây.
Dự án Khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết: Vùng lõi có diện tích 450 ha; khu du lịch dịch vụ và tái hiện Bình Phước 425 ha; khu vườn cây trái Nam bộ 180 ha, khu bảo vệ, phát triển rừng 545 ha; khu phát triển cao su diện tích gần 1.400 ha. Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2014 đến năm 2018): hoàn thành các hạng mục giải phóng mặt bằng; nâng cấp, phục dựng, tái tạo cảnh quan các di tích gốc; xây dựng khu vực đón tiếp khách thăm quan. Giai đoạn 2 (từ năm 2018 đến năm 2020): Tiếp tục triển khai xây dựng mới và nâng cấp hệ thống đường giao thông, trồng rừng và tái tạo cảnh quan rừng.
(Nguồn: Sở VH-TT &DL)
|
Đức Hồng.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065