BP - Đảng ta xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng hiện nay đã và đang trở thành quốc nạn, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của dân, thiệt hại ngân sách, gây rối loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Từ đó, nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, làm cho chế độ chính trị dần suy yếu từ bên trong, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tấn công từ bên ngoài, dẫn đến sụp đổ nếu không kịp thời chấn chỉnh.
Vậy hành vi tham nhũng là gì? Theo quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, thì 12 hành vi sau đây là hành vi tham nhũng: Tham ô tài sản. Nhận hối lộ. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi. Nhũng nhiễu vì vụ lợi. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Và quy định về chủ thể của hành vi tham nhũng, tại Khoản 2 và Khoản 3 của Điều 1 trong Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định như sau: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), vừa được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ thì tại Điều 2 là những quy định về hành vi tham nhũng, với nội dung như sau: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Hành vi tham nhũng bao gồm các hành vi được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015: tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); giả mạo công tác (Điều 359) và các hành vi sau đây: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản. Nhũng nhiễu vì vụ lợi. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; người đại diện theo ủy quyền phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó; Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Theo nội dung trên, trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi thì không chỉ có hành vi tham nhũng, mà cả chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng cũng đã được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, hành vi tham nhũng bao gồm các hành vi được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015: tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); giả mạo công tác (Điều 359)... Và chủ thể của hành vi tham nhũng không chỉ còn là cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó... mà còn có cả đối tượng là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Và vấn đề đặt ra ở đây là từ thực tế cuộc sống cho thấy, trong cơ chế thị trường của thời kỳ hội nhập này, hành vi và chủ thể của hành vi tham nhũng nếu quy định như trên là chưa đầy đủ và sẽ dẫn đến rất khó thực thi. Vì hành vi tham nhũng ngày nay đa dạng hơn, tinh vi hơn và chủ thể của hành vi này không chỉ xảy ra ở quan chức nhà nước, mà nó xảy ra khắp nơi trong xã hội. Bất kể những gì người ta làm trái với pháp luật, trái với đạo đức để tư lợi cho bản thân mình đều là tham nhũng. Ví dụ như hành vi chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán; hành vi chen ngang khi người khác xếp hàng ở sân bay, nhà ga, bến tàu... Hay những hành vi thiếu ý thức khác nhưng hướng đến mục đích là làm lợi cho bản thân hơn so với người khác..., thì tất thảy cũng đều là tham nhũng. Và ngay cả hành vi vượt đèn đỏ, đậu xe không đúng nơi quy định, đi xe máy trên đường cao tốc, hay hành vi điều khiển phương tiện rẽ trái, rẽ phải không đúng nơi quy định... cũng là tham nhũng. Hoặc hành vi làm, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc thực phẩm bẩn... nhằm mục đích kiếm lợi... cũng đều là hành vi tham nhũng. Và cũng từ thực tế cho thấy, nếu người lao động trong một doanh nghiệp ngoài nhà nước có hành vi làm lợi cho chủ doanh nghiệp, nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng... thì có phải là hành vi tham nhũng không?
Từ phân tích trên, tôi đề nghị trong nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng cần được ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn và bổ sung thêm, đồng thời làm rõ nội hàm của hành vi tham nhũng cũng như chủ thể của hành vi này. Có như vậy thì công cuộc phòng chống tham nhũng mới mang lại hiệu quả cao; đồng thời khi luật được ban hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ tạo dựng được lòng tin của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065