Môn Ngữ văn là môn thi bắt buộc để tổ hợp xét điểm vào đại học, cao đẳng. Từ trước đến nay, cách dạy, học và cách ra đề môn thi này thường vẫn “quanh quẩn lối mòn”. Đề thi và đáp án của bộ năm nay là cơ sở để giáo viên và học sinh đối chiếu, so sánh quá trình dạy, đổi mới phương pháp phù hợp chưa?
Khó khăn dễ thấy nhất là sự phân hóa rất rõ ràng trong đề thi. Thầy Vũ Văn Hà, giáo viên có nhiều năm dạy khối 12 cho rằng: “So với trước, đề thi năm nay yêu cầu học sinh tư duy sâu rộng hơn. Phần đọc - hiểu là một ví dụ, có tới 2 ngữ liệu: 1 văn xuôi, 1 thơ với tổng cộng 8 câu hỏi chiếm 3/10 điểm. Phần này học sinh “dễ có điểm” nhưng để được điểm cao thì không đơn giản. Khác với câu 1 trong đề thi các năm trước là chủ yếu nêu hoặc phân tích ngắn về một tác giả, hay một khía cạnh tác phẩm (mà chủ yếu là tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài trong sách 12). Qua đó giáo viên và học sinh đều dễ đoán trước đề và chỉ việc khoanh vùng nội dung rồi “cày bừa kỹ” là sẽ ổn. Với đề thi đọc hiểu năm nay, học sinh không phải “tốn sức” học thuộc mà làm bài dựa trên cơ sở hiểu là chủ yếu. Những câu hỏi như “Đặt tên cho đoạn trích”, “Chỉ ra biện pháp tu từ nghệ thuật trong đoạn thơ”... tưởng dễ nhưng lại không hề đơn giản với các em lực học trung bình trở xuống”.
Phần thi viết chiếm 7/10 điểm cũng có sự phân hóa học sinh mạnh mẽ. Phần này chia thành 2 mảng: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Em Châu Thị Diễm Trinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh vừa qua nói: “Đề nghị luận xã hội hay và vừa sức, phần nghị luận văn học khá khó. Với yêu cầu “cảm nhận” vẻ đẹp của hai đoạn thơ nhưng thực chất là “so sánh”.
Cần phải nói thêm, so sánh là một kỹ năng khó và trước đây chưa bao giờ có trong đề thi tốt nghiệp THPT và chỉ xuất hiện vài lần trong kỳ thi đại học từ khi bộ ra đề thi chung. Ngay học sinh lực học khá, giỏi cũng “ngán” kiểu đề này. Đề thi những năm trước nghiêng về phân tích, bình luận, bình giảng...tách biệt, ít kết hợp trong nghị luận văn học. Kiểu bài “so sánh” yêu cầu người học phải tư duy mạch lạc, các tiêu chí so sánh, lý giải được sự tương đồng và khác biệt, khái quát được vẻ đẹp riêng của đối tượng, góp phần làm nên phong cách của các tác giả. Theo cô Bình, một giáo viên dạy Văn có kinh nghiệm của trường, đa số các em làm kiểu bài so sánh chưa tốt. Ở câu cuối của đề thi minh họa năm nay có lẽ chỉ là “sân chơi” của các em học khá, giỏi. Vì vậy, để đạt điểm 5 không phải đơn giản với học sinh trung bình.
Ưu điểm thấy rõ của đề thi minh họa môn Ngữ văn là tránh việc học tủ, học thuộc, khiến các em thụ động, hạn chế khả năng sáng tạo, dẫn đến tình trạng học sinh phải “nhớ nặng nề” và “dễ ghét” môn văn. Đề thi minh họa có nhiều cơ hội để các em nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình. “Vạn sự khởi đầu nan”, đứng trước cái mới khiến chúng ta lo lắng. Nhưng chúng ta đều hy vọng lần đổi mới thi cử này sẽ là tiền đề tốt để đổi mới toàn diện nền giáo dục.
Ths. Vũ Văn Tuấn
Giáo viên Trường THPT Đắk Ơ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065