Năm 2013, trong việc tiếp tục tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp ủy đảng và từng đảng viên thực hiện nội dung: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là chuyên đề có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình toàn đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chuyên đề này, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phong cách quần chúng:
PGS-TS Phạm Ngọc Anh, Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trình bày các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại tỉnh Bình Phước ngày 28-3-2013 - Ảnh: T.B
|
Quần chúng nghĩa là quảng đại quần chúng (nhân dân), là số đông lực lượng lao động xã hội tạo ra của cải vật chất lẫn tinh thần trong xã hội đồng thời cũng là đối tượng thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần ấy. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; quần chúng sáng tạo nên lịch sử, làm nên lịch sử… Chính vì lẽ đó mà chế độ xã hội nào cũng luôn chú trọng chính sách “an dân”, quần chúng nhân dân luôn là lực lượng cách mạng to lớn, lợi ích của quần chúng nhân dân vừa là điểm khởi đầu, vừa là điểm kết thúc của mọi sự biến đổi trong xã hội - lịch sử. Vì vậy, cách nay gần 600 năm, Nguyễn Trãi đã từng viết: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” ; còn Bác Hồ của chúng ta lại nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”, và “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hành đều ở nơi dân”…
Vậy thì, theo Bác phong cách quần chúng là người cán bộ, người đảng viên phải gần gũi với quần chúng, hòa vào quần chúng, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của quần chúng; tìm tòi, phát huy sáng kiến của quần chúng nhân dân, rồi căn cứ vào đó mà đề ra chủ trương cho đúng; kịp thời sửa chữa những chủ trương sai lầm. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có một câu Bác nói ngắn gọn, dễ nhớ và cũng đã làm rất tốt, đó là: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người cán bộ, đảng viên phải là người trung thực, nói đi đôi với làm, làm những việc ích lợi cho dân, dân tin và làm theo lời đảng viên cũng chính là dân tin và làm theo Đảng.
Phong cách dân chủ:
Dân chủ tức là dân làm chủ. Ngay sau khi cuộc cách mạng Tháng 8 - 1945 thành công, Bác Hồ và Đảng ta đã chọn lựa chính thể quốc gia là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định địa vị của nhân dân được đặt lên cao nhất; các vấn đề hệ trọng quốc gia phải được người dân phúc quyết (Hiến pháp; Bầu cử Quốc hội…). Có một lần, Bác Hồ đến thăm trường cán bộ miền Nam. Trong câu chuyện, Bác hỏi, Bác đố các chú: Ai to nhất nước Việt Nam? Mọi người đồng thanh, thưa Bác: Bác ạ, Bác ạ! Bác bảo: “Các chú ngồi xuống, các chú phong kiến quá. Bác đọc cho các chú nghe này: Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ai là chủ đây, các chú? À, dân chủ, vậy là dân làm chủ, còn Bác cháu ta chỉ là công bộc của nhân dân mà thôi”.
Như vậy xác định chủ thể của đất nước là nhân dân, dân làm chủ thì mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải biết phục vụ nhân dân, hết lòng vì dân, tận tâm, tận lực làm những điều lợi ích cho nhân dân. Đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh”. Rồi Bác lại khẳng định: “dân chủ là chìa khóa của mọi vấn đề”.
Các đại biểu tại hội nghị triển khai các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013
Hiện nay, ở chỗ này, chỗ khác vẫn còn tình trạng xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân hoặc dân chủ hình thức. Cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện và giữ gìn đạo đức, kính trọng và hết lòng phục vụ nhân dân, không tham nhũng, lãng phí và có tinh thần đấu tranh với các thứ "giặc nội xâm" đó để được nhân dân yêu mến và tin tưởng. Cán bộ và các tổ chức Đảng cần phải chân thành, nghiêm túc lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi, đối thoại… qua đó mà cảm hóa, thuyết phục, có quan hệ ứng xử có lý, có tình để có thể đoàn kết trong Đảng và tập hợp sức mạnh của toàn dân, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nghĩa là phải làm nhiều việc, phải phấn đấu quyết liệt trong công cuộc đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Trong các Nghị quyết của Đảng, kể từ Nghị quyết Đại VI - Đại hội đổi mới đến nay, Đảng ta luôn khẳng định "dân là gốc", thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thể hiện tinh thần hết sức tôn trọng vai trò quyết định của nhân dân…
Như vậy, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi tổ chức Đảng, cơ quan Hành chính Nhà nước hãy làm tốt việc phát quyền làm chủ của nhân dân, quy tụ được sức mạnh quần chúng nhân dân, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, khai thác những tiềm năng to lớn trong lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân; tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức quần chúng và của từng người dân trong đời sống xã hội hiện nay.
Phong cách nêu gương:
Ở đây việc làm gương hay nêu gương là mượn hình tượng cái gương “soi, rọi” thật. Theo đó, người cán bộ, người đảng viên phải là tấm gương sáng chứ không thể là tấm gương lu mờ hoặc tối tăm. Vì lẽ, gương sáng là để quần chúng soi vào, thấy và làm theo.
Hiện nay, trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị nước ta đang rốt ráo thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Theo đó, Trung ương Đảng chủ trương người cán bộ, đảng viên trước hết và trên hết là phải tự kiểm điểm mình, soi rọi lại mình có những khuyết điểm gì thì phải chân thành nhận với tổ chức, với đồng chí, đồng nghiệp và phải có lộ trình hứa hẹn sửa chữa, thay đổi hành vi cho phù hợp chuẩn mực đạo đức cách mạng, chuẩn mực đạo đức truyền thống. Người cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện, tu dưỡng “Gột rửa chủ nghĩa cá nhân ví như rửa mặt thì phải rửa hằng ngày” - HCM.
Trong cuộc sống diễn ra hằng ngày, nơi công tác hay nơi cư trú, có lẽ con mắt tinh tường giám sát và nhận xét của quần chúng nhân dân đối với người cán bộ, đảng viên là khá chính xác và thỏa đáng. Chỉ có điều, người đó có chịu lắng nghe, có thành tâm lắng nghe hay không mà thôi. Người cán bộ đảng viên phải là nói đi đôi với làm, nói mà không làm là đặc tính của giai cấp bóc lột. Bác Hồ từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền", "trước mắt quần chúng, không phải cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu quý. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức". Và rằng: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã…” Cho nên, đảng viên phải làm gương mọi mặt cho quần chúng noi theo. Việc làm gương phải thực hiện ở mọi nơi, mọi việc, phải quán triệt trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị, từ cán bộ cấp Trung ương đến tận cơ sở.
Cuối cùng là sự cần thiết phải nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Vì, cán bộ ở cấp càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Bác từng đề cao: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt lại càng có tầm quan trọng trong phạm vi quản lý, điều hành. Nếu như người cán bộ chủ chốt mà biết lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, kể cả cấp trên, cấp dưới, chắt lọc thông tin, có tâm, có tầm “đúng sai phân minh”, đưa ra những quyết định đúng đắn, thấu tình, đạt lý, nhiệt thành vì cái chung, năng nổ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... thì sẽ thu phục được lòng người, dễ tạo được sự đoàn kết thống nhất trong phạm vi lãnh đạo, quản lý và luôn đạt được hiệu quả về nhiều mặt trong cơ quan, đơn vị. Và, người đời luôn tâm niệm: Trăm nghe không bằng một thấy. Khi người cán bộ chủ chốt tu dưỡng, rèn luyện, cầu thị, chân thành, không đố kỵ với đồng chí, đồng nghiệp; không xa hoa, lãng phí, không trục lợi cá nhân mà luôn biết cần, kiệm, liêm, chính thì chắc chắn sẽ làm gương tốt, là tấm gương sáng để mọi người học tập và làm theo.
Nghị quyết Đại hội XI cũng như Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng đều nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng…”. Đấy là những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, hống hách với nhân dân… Tình trạng này không những làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng mà còn làm cho kỷ cương, phép nước bị coi thường.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt từ mọi cấp, mọi ngành; từ mỗi cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, tu dưỡng, từ tư tưởng đến hành động, điều chỉnh hành vi phù hợp, đề ra chương trình, kế hoạch, các tiêu chí cụ thể phù hợp với lĩnh vực công tác, môi trường sinh hoạt. Mặt khác, khuyến khích và coi trọng việc giám sát của nhân dân, hy vọng trong toàn Đảng bộ, toàn hệ thống chính trị của tỉnh Bình Phước sẽ có những chuyển biến tích cực, thiết thực, hiệu quả trong năm 2013 này về chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trong năm 2013 - Năm bản lề Đại hội XI của Đảng 2010-2015.
Tiến Thuận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065