BP - Trường Sa Đông là đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 260 hải lý, cách đảo Đá Tây khoảng 6 hải lý về phía Đông Bắc, cách Đá Đông khoảng 13 hải lý về phía Tây Bắc và nằm cách đảo Châu Viên (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khoảng 30 hải lý. Đảo Trường Sa Đông có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Do nằm ở phía đông Đông Bắc của quần đảo Trường Sa nên từ điểm đảo này đến các đảo khác của quần đảo rất thuận lợi, tạo thành một lá chắn phòng thủ vững chắc ở phía Đông của đất nước. Đặc biệt, đây cũng là vùng ngư trường giàu có với các loại hải sản quý hiếm, thu hút đông đảo ngư dân ra đánh bắt, khai thác. Hàng năm, số lượng tàu thuyền đi qua khu vực đảo Trường Sa Đông rất lớn, trong đó có nhiều tàu trọng tải từ 30 ngàn tấn trở lên. Do đó, đảo Trường Sa Đông trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân, tạo thành thế trận quốc phòng - an ninh liên hoàn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Đông chăm sóc giàn bí - Ảnh internet
Cũng như các đảo khác trong quần đảo Trường Sa, thời tiết ở Trường Sa Đông rất khắc nghiệt, nắng mưa, giông gió thất thường, diện tích đảo lại hẹp nên việc ăn ở, sinh hoạt của bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù là đảo nổi nhưng Trường Sa Đông không được thiên nhiên ưu đãi như các đảo khác. Toàn bộ diện tích trên đảo được bao phủ bởi đá san hô, không có giếng nước ngọt. Để có đất trồng cây, trồng rau, tăng gia sản xuất, trong gần 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã phải mang từng bao đất từ đất liền ra, xúc từng bao cát dưới biển đổ lên trên nền đá san hô để cải tạo đất. Dưới bàn tay, khối óc của những người lính hải quân kiên cường, gan dạ, thông minh, đảo đá san hô ngày nào nay đã trở thành một thiên đường của các loại cây xanh. Từ cầu tàu vào đảo, con đường thanh niên được xây dựng rợp bóng lá cây xanh. Những người có dịp ra thăm Trường Sa Đông kể lại, tất cả các gốc cây, bụi cỏ trên đảo đều được đánh dấu cẩn thận bằng tấm biển mê ca màu xanh. Đây là cách mà các chiến sĩ trên đảo sử dụng để theo dõi sự phát triển của cây mà mình nhận trồng và chăm sóc. Đặc biệt, từ khi có điện, diện mạo của đảo chuyển biến rõ rệt. Điện đã giúp cho quân và dân trên đảo cải thiện điều kiện sinh hoạt, phục vụ tốt cho việc tăng gia sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
4 cây ở quần đảo Trường Sa được công nhận là “Cây di sản”. Đó là 2 cây mù u ở đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn, 1 cây bàng trái vuông ở đảo Nam Yết và 1 cây phong ba ở đảo Song Tử Tây. 4 cây được công nhận di sản ở Trường Sa nằm trong tốp 72 cây cổ thụ vừa được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam công nhận đủ tiêu chuẩn. Cả 4 cây này đều có tuổi trên 30 năm cũng như có những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, sinh học và cảnh quan môi trường.
|
Là đảo nhỏ nhưng Trường Sa Đông là đơn vị luôn dẫn đầu về thành tích tăng gia sản xuất. Tất cả các đơn vị trên đảo đều có vườn rau, đăng ký thi đua trồng rau, trồng hoa. Những vườn rau muống xanh tươi hướng mình ra biển, cạnh đó là những giàn bí xanh, giàn mướp trĩu quả. Đặc biệt, hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của đảo được quy hoạch và xây dựng một cách quy củ với chuồng nuôi heo nái, heo thịt, heo con và hàng trăm con gà, vịt... Trong chăn nuôi, Trường Sa Đông là đảo đầu tiên của huyện đảo Trường Sa sáng tạo ra lò ấp thủy cầm. Từ đây, mô hình lò ấp thủy cầm thương hiệu “Trường Sa Đông” được quân dân trên huyện đảo Trường Sa biết đến và làm theo. Từ sự sáng tạo, vượt khó của bộ đội đã giúp phong trào tăng gia sản xuất của đảo luôn phát triển mạnh, góp phần cải thiện đáng kể bữa ăn.
Được sự quan tâm của cấp trên và đất liền, những ngôi nhà kiên cố cho bộ đội đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông được xây dựng mới, to đẹp hơn, khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm và làm cho dáng đứng của Tổ quốc thêm hiên ngang, vững chãi giữa biển khơi. Từ sự nỗ lực và cố gắng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhiều năm liền cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng. Đặc biệt năm 1982, đảo được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Trường Sa Đông đang đẹp lên từng ngày nhờ tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn của những người lính. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đang tiếp tục phấn đấu xây dựng Trường Sa Đông mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực về đoàn kết quân dân để đảo trở thành điểm sáng, một trong những lá cờ đầu ở huyện đảo Trường Sa. (*)
Thế Nhàn
(*) Bài viết có tham khảo các tài liệu của đồng nghiệp
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065