Trong cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, rạng sáng 14-4-1975, lực lượng đặc công của Quân chủng Hải quân cùng đặc công Quân khu V đã bí mật đổ bộ giải phóng đảo Song Tử Tây. Chỉ sau 30 phút tấn công như vũ bão, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Đây là trận đánh và Song Tử Tây là đảo đầu tiên được giải phóng ở quần đảo Trường Sa. Sau 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Sa hôm nay đã trở thành huyện đảo sầm uất với đầy đủ hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nơi tiền tiêu Tổ quốc quanh năm đối diện với bão táp phong ba, sức sống ở Trường Sa vẫn trỗi lên mạnh mẽ, kiên cường.
LỊCH SỬ NGÀN NĂM GIỮA BIỂN KHƠI
45 năm sau ngày trở thành đảo đầu tiên được giải phóng ở quần đảo Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây đổi thay từng ngày. Từ xa nhìn lại, Song Tử Tây như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Đặt chân lên đảo, khung cảnh thanh bình với những mái nhà đỏ tươi xen giữa cây xanh và những con đường nhỏ đổ bê tông sạch sẽ… Đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo ngày càng được nâng cao, không thua kém trong đất liền. Tivi có thể xem được nhiều kênh qua thu sóng vệ tinh. Điện thoại mặc dù chưa có 3G, 4G nhưng có thể nghe gọi đàm thoại 24/24 giờ… Xã đảo trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân đánh bắt xa bờ, luôn sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống.
Chào cờ và duyệt binh trên đảo Trường Sa
Đặc biệt, trên đảo có tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn uy nghi, sừng sững, như lời nhắc nhở với quân và dân trên đảo về niềm tự hào dân tộc, cũng là lời nhắc nhở lịch sử ngàn năm với những kẻ muốn nhòm ngó non sông, biển đảo của Việt Nam… Nếu ai đã từng đặt chân lên xã đảo Song Tử Tây, khó có thể quên được hình ảnh trẻ em đến trường, vui chơi dưới những tán cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp trên đảo.
Đảo Sinh Tồn cách đất liền 320 hải lý và chỉ cách đảo Gạc Ma - nơi diễn ra trận đánh bảo vệ Gạc Ma lịch sử chỉ 11 hải lý. Đảo chạy dài theo hướng Đông - Tây, rợp bóng mát những loại cây đặc thù của Trường Sa như cây bàng trái vuông, cây phong ba, cây bão táp… Trải qua bao thăng trầm, kiên cường đứng vững cùng lịch sử dân tộc, hôm nay Sinh Tồn - đảo chính thuộc xã đảo Sinh Tồn, là một khu phức hợp có đủ các công trình quân sự để bảo vệ biên cương và các công trình dân sinh phục vụ đời sống nhân dân trên đảo.
ÐIỂM TỰA CỦA NGƯ DÂN
Âu tàu của đảo Song Tử Tây có sức chứa 80-100 tàu cá công suất lớn, là bến đậu an toàn cho ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… trong mùa mưa bão khi đánh bắt xa bờ. Khu làng chài và các công trình phụ trợ đảm bảo việc lưu trú, sinh hoạt cho khoảng 300 người, ngư dân có thể vào nghỉ ngơi, tạm trú miễn phí hoặc tránh bão, khi gặp thời tiết xấu, sức khỏe không tốt. Đây cũng là nơi cung cấp nước ngọt và xăng dầu cho bà con ngư dân bằng giá trong đất liền.
Tiếp nối truyền thống của gia đình, của quê hương, từ khi học Trường THPT Lộc Ninh, em đã ước mơ được ra Trường Sa để vừa rèn luyện bản thân vừa góp sức mình bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
Thiếu úy Đoàn Chung Hiếu, một người con quê hương Lộc Ninh, Phân đội trưởng 3, Cụm chiến đấu 2 đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa |
Nhà văn hóa trên đảo Sinh Tồn có 2 tầng, diện tích sàn 740m2, kết cấu bền vững, các phòng hài hòa từ phòng nghỉ cho đến phòng sinh hoạt tập trung. Trường tiểu học xã Sinh Tồn có tổng diện tích hơn 300m2, đơn sơ, giản dị ở một góc trên đảo Sinh Tồn. Mặc dù không có sĩ số đông như ở đất liền nhưng không khí giảng dạy, học tập của thầy trò nơi đây chưa bao giờ vì thế mà kém phần hào hứng, sôi nổi. Lớp học được tổ chức thời gian học tập không khác gì trong đất liền, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Các thế hệ học sinh ở Trường tiểu học xã Sinh Tồn cứ thế lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của gia đình, thầy giáo và chiến sĩ hải quân trên quần đảo địa đầu của Tổ quốc.
Không có được hệ sinh thái khá hoàn thiện và diện tích nổi trên mặt biển đủ lớn để xây được trụ sở UBND, trường học, chùa, nhà văn hóa, tượng đài… như các đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn… trên quần đảo Trường Sa còn có nhiều đảo khác có diện tích nhỏ hơn, chỉ đủ để xây dựng công trình quân sự để bảo vệ đảo và là nơi neo đậu của ngư dân bám biển. Nhiều đảo được xây dựng trên bãi nền san hô ngập nước hoặc bán ngập. Như đảo Đá Lớn thuộc xã đảo Sinh Tồn có bãi đá chạy dài theo hướng Bắc - Nam, chiều dài nhất khoảng 15km, chiều rộng trung bình 2km, diện tích khoảng 28,5km2. Thềm san hô của đảo khép kín, bên trong bãi có 1 hồ với lòng hồ chiều dài khoảng 10km, chiều rộng khoảng 1km. Khi thủy triều lên cao toàn bãi ngập nước, khi thủy triều xuống còn 0,5m, trên bãi có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.
KHÔNG CHỈ CÓ MÀU XANH CỦA BIỂN
Giữa Trường Sa bao la hôm nay không chỉ có màu xanh của biển mà còn có nhiều màu xanh khác. Cũng như trên Sinh Tồn hay Song Tử Tây, Đá Lớn… tất cả đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều đã được lắp đặt và khai thác hệ thống năng lượng sạch. Trên các mái nhà ngói đỏ đã phủ một màu xanh thẫm của những tấm pin mặt trời. Mỗi đảo đều có hệ thống tua bin gió hiện đại được bố trí xây dựng xung quanh đảo để đón gió từ nhiều hướng. Trước đây, rau xanh là loại thực phẩm xa xỉ thì nay với sự cố gắng của cán bộ, chiến sĩ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, rau xanh được trồng khắp nơi với đủ chủng loại. Ngoài hệ thống tích trữ nước ngọt, trên các đảo còn có máy lọc nước mặn thành nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, nhờ đó rau xanh cũng xanh hơn.
Đời lính, được ở nơi tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc, với chúng tôi là một niềm tự hào vô bờ bến như đại dương bao la. Mọi khó khăn, gian khổ với chúng tôi đều vượt qua để giữ gìn từng tấc đất, từng ngọn sóng của dân tộc. |
Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông, quần đảo Trường Sa |
Một điều vô cùng đặc biệt nữa, đó là đời sống tâm linh của nhân dân trên đảo rất được chú trọng. Hằng ngày, tiếng chuông chùa vẫn vang lên và ngân xa, khiến quần đảo Trường Sa như một làng quê yên bình của Việt Nam. Hiện đã có 5 ngôi chùa được xây dựng tại huyện đảo Trường Sa tiền tiêu của Tổ quốc. Đó là các ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết. Cả 5 ngôi chùa ở Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội và được xây dựng theo phong cách truyền thống của người Việt. Điều này mang ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Những ngôi chùa ở Trường Sa vừa là điểm hẹn văn hóa tâm linh của ngư dân mỗi khi đánh bắt hải sản ở khơi xa, vừa khẳng định chủ quyền có tính lịch sử bền vững của dân tộc.
Được bồi đắp, hun đúc từ hàng ngàn năm lịch sử cha ông để lại, Trường Sa hôm nay mang sức sống mới, vững vàng hơn. 45 năm qua, với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, quân và dân trên quần đảo Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Diện mạo của quần đảo Trường Sa không ngừng đổi thay, ngày một khang trang hơn, hiện đại hơn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065