VÀI NÉT VỀ VÍ, DẶM NGHỆ TĨNH
Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (Nghệ Tĩnh). Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật in đậm tâm hồn, cốt cách của con người xứ Nghệ, có sức sống lâu bền, là di sản quý trong kho tàng văn hóa của người Việt Nam.
Tiết mục biểu diễn dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh - Ảnh internet
Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp, ngắn dài tùy thuộc vào ca từ. “Ví” thuộc thể ngâm bằng phương pháp phổ thơ dân tộc. Tính biểu cảm của hát ví tùy vào môi trường hoàn cảnh, không gian, thời gian và tâm tính của người hát. Vì vậy, điệu ví nghe thường mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.
“Dặm” là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (vè 5 chữ), nói cách khác thì dặm là thơ ngụ ngôn/vè nhật trình được tuyền luật hóa. Khác với ví, dặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài dặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ (không kể phụ âm đệm). Tuy vậy, cũng có những bài dặm/vè không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục, hàng trăm câu và mỗi câu cũng không nhất thiết 5 chữ. Dặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần giãi bày. Cũng có loại dặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả dặm trữ tình giao duyên. “Dặm” cũng có nghĩa là ghép vào, xen kẽ với nhau, thường 2 hay 3 người đối diện nhau hát. Có thể hiểu nôm na: Ví là ví von, còn dặm là dặm lúa, điền nam... bởi là lối hát ra đời từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân nên những lời hát ví dặm rất gần gũi, mộc mạc, đa số đều miêu tả lại đời sống hàng ngày, thân phận con người cũng như cách thức sản xuất, lao động và các ngành nghề truyền thống.
GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT
Hiện nay, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 51 câu lạc bộ dân ca ví, dặm; với sự tham gia sinh hoạt của hơn 800 nghệ nhân và nhiều cá nhân. Thông qua các kỳ liên hoan, hội diễn, các CLB này đã dần hoàn thiện tổ chức và hoạt động thường xuyên, nổi bật như: CLB Thạch Châu, Cẩm Mỹ, Thạch Thanh, Cương Gián (Hà Tĩnh); Hồng Sơn, Ngọc Sơn, Hoàng Trù, Nghi Trung, Phúc Thành (Nghệ An). Nhằm giúp các CLB hoạt động hiệu quả hơn, thời gian qua các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (Nghệ An) và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (Hà Tĩnh) đã trực tiếp xuống cơ sở truyền dạy cho thành viên của các CLB. |
Hát ví, hát dặm xưa kia đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người Nghệ Tĩnh và làm nên những nét riêng biệt của người dân nơi đây, không thể lẫn vào đâu được. Ai cũng biết, không gian khởi xướng cho tất cả các loại hình dân ca đều xuất phát từ lao động, sản xuất và ví, dặm Nghệ Tĩnh cũng nằm trong quy luật đó. Mới đầu, dân ca ví, dặm xứ Nghệ còn thô sơ, mộc mạc, giản dị, xuất phát từ lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải... nhưng sau đó theo thời gian thì ví, dặm phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục chặt chẽ và hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người (*).
Vượt qua rào cản về thời gian, trải qua các cuộc chiến tranh và ngày nay là sự hội nhập quốc tế; nhưng dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh vẫn khẳng định được sức sống trường tồn của mình. Những nét tinh túy trong dân ca ví, dặm trở thành cội nguồn của các ca khúc đương thời. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, ví, dặm Nghệ Tĩnh đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho quân dân ta đánh thắng quân thù. Hòa bình lập lại vẫn còn những ca khúc đi cùng năm tháng, mang âm hưởng của dân ca ví, dặm mà mỗi khi cất lên người nghe nhận ra ngay âm điệu ngọt ngào sâu lắng của nó. Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là tinh hoa nghệ thuật không chỉ của riêng người dân nơi đây mà còn của cả đất nước Việt Nam, góp phần lưu giữ vốn văn hóa cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần người Việt thêm đa dạng, phong phú. Với hơn 40 làn điệu độc đáo, dân ca ví, dặm luôn hiện hữu trong cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa từ bao đời nay và trở thành “đặc sản” của người dân Nghệ Tĩnh.
Đức Hồng
(*) Tham khảo tài liệu Viện Âm nhạc Việt Nam
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065