Mấy hôm nay, clip “Qua suối bằng... túi bóng” do cô giáo Tòng Thị Minh quay bằng điện thoại di động và cung cấp cho báo Tuổi Trẻ, sau đó được phát trên bản tin thời sự 19 giờ của VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã lay động con tim hàng triệu người. Mặc dù đang tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cấp nhà nước tại Nhật Bản, song Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã quyết định ngay việc xây cầu treo ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên để cô, trò và người dân ở đây không còn phải “đánh cược” tính mạng khi qua suối bằng phương tiện “độc nhất vô nhị” này.
Có lẽ, khi dùng điện thoại cá nhân quay lại những hình ảnh này, bản thân cô giáo Minh sẽ không thể tưởng tượng được rằng nó có giá lên đến... tỷ đồng (kinh phí để xây dựng chiếc cầu treo). Sức lan tỏa và giá trị của đoạn phim chỉ có khi nó được cung cấp “đúng lúc, đúng người” cho hai phóng viên báo Tuổi Trẻ (Lê Đức Dục và Đà Trang) lúc họ lên đây công tác. Báo Tuổi Trẻ không chỉ cung cấp đến bạn đọc clip này mà còn thể hiện bằng một bài viết rất chi tiết, cụ thể, rõ ràng và xúc động.
Câu chuyện người dân dùng “trăm phương ngàn kế”, bất chấp nguy hiểm để vượt sông, suối khi chưa có cầu đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng hoàn toàn không phải mới. Họ biết vậy nhưng cũng đành “botay.com” vì đã lập kế hoạch kinh phí xây dựng cầu treo, cầu tạm nhưng sau nhiều lần lên huyện, xuống xã vẫn không được phê duyệt với nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thiếu kinh phí. Nếu nhu cầu là bức thiết cộng với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí thì mọi việc sẽ tiến triển nhanh hơn. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ vụ chìm đò ở bến Cà Tang, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam xảy ra cách đây hơn 10 năm khiến 18 em học sinh thiệt mạng. Sau sự việc tang thương ấy, các cơ quan báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ để chuyển tải những nỗi niềm và mơ ước về một cây cầu của người dân nơi đây. Cuối cùng, ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi cầu Nông Sơn được xây dựng với tổng kinh phí 21 tỷ đồng, trong đó báo Tuổi Trẻ vận động, quyên góp được trên 2,8 tỷ đồng. Cầu khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2005).
Ở các nước tư bản, người ta ví báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư (sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Ở nước ta, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân... Điều đó khẳng định vị trí và sức mạnh của báo chí trong đời sống xã hội. Thế nhưng có một thực tế hiện nay là không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không “mặn mà” với báo chí, né tránh, “đóng cửa” không tiếp, thậm chí còn xúc phạm danh dự, hủy hoại phương tiện tác nghiệp, hành hung phóng viên, nhà báo. Theo quy định, các cơ quan, tổ chức phải xây dựng và thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Song việc triển khai thực hiện tại một số nơi vẫn chưa thật sự nghiêm túc. Điều đó dẫn đến hệ lụy là nhiều thông tin trên báo chí đôi khi chưa thật sự chính xác vì sự im lặng, không hợp tác của người trong cuộc dẫn đến những dư luận không tốt. Hợp tác, chia sẻ thông tin với báo chí là cách tốt nhất để tháo gỡ những “nút thắt” tưởng chừng không thể như câu chuyện cô giáo Minh ở trên đáng để nhiều người suy ngẫm.
N.B
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065