Người dân ấp Chà Là tích cực góp công sức làm đường nông thôn
Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ
Nằm bên quốc lộ 13, thuận tiện thông thương là cơ hội tạo đà cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, nhưng kinh tế của Thanh Bình lại chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Do giá nông sản bấp bênh, ít vốn đầu tư nên không ít hộ tái nghèo, số hộ cận nghèo “phình” ra.
Trước tình hình trên, cấp ủy và chính quyền xã đã đưa việc xóa nghèo trở thành nghị quyết thực hiện theo từng năm và cụ thể hóa bằng các chương trình hỗ trợ. Năm 2014, xã cấp 8 con dê giống cho 8 hộ nghèo, trị giá 240 triệu đồng. Năm 2015 tiếp tục hỗ trợ dê giống cho 5 hộ 120 triệu đồng.
Hộ anh Điểu Bếp ở ấp Đông Phất thuộc diện cận nghèo. Từ khi được hỗ trợ dê giống, vợ chồng anh Điểu Bếp chịu khó cắt cỏ, chăm sóc nên đàn dê đã sinh thêm 3 con và hiện 3 con đang mang thai. Cùng chung niềm vui, gia đình bà Thị Hên cùng ấp trồng cỏ ven suối để bảo đảm nguồn thức ăn cho dê. Ngày trước, không vốn, không nghề nghiệp, vợ chồng bà phải đi mót mủ cao su kiếm sống. Từ ngày có đàn dê, bà chú tâm chăm sóc dê. “Hiện đàn dê sinh sản được 3 con và cuối năm nay sẽ có thêm 2 dê con. Vợ chồng tôi sẽ ra khỏi danh sách hộ cận nghèo” - bà Thị Hên nói. Cũng trong năm 2014, gia đình bà được Hội Cựu chiến binh huyện xây tặng căn nhà nghĩa tình đồng đội.
Ngoài hỗ trợ dê giống, UBND xã còn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi với 8 hộ và tổ sản xuất (lúa nước) 13 hộ. Nhờ có sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể, Phòng Nông nghiệp huyện phổ biến, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên 2 tổ hợp tác này đang từng bước được củng cố, giúp hội viên phát triển sản xuất. Từ đầu năm 2014 đến nay, xã đã giới thiệu việc làm cho 472 lượt người, trong đó có 114 người dân tộc thiểu số. Hiện toàn xã có 2.527/2.680 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 94,29%; thu nhập bình quân của người dân năm 2014 là 32 triệu đồng/người/năm và chỉ còn 26 hộ nghèo, chiếm 2,61% số hộ toàn xã.
Góp sức làm đường nông thôn
Những năm trước, ở Thanh Bình hầu hết là đường đất đỏ hoặc phún sỏi đỏ nên đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, cả hệ thống chính trị đã “ra quân” vận động người dân đóng góp, nâng cấp và làm mới các tuyến đường.
Ấp Chà Là có 359 hộ. Nhờ ban điều hành ấp tích cực tuyên truyền, vận động, người dân hiểu rõ lợi ích của việc làm đường nông thôn, đã tích cực góp tiền, ngày công lao động làm 1.745m đường bê tông. Ông Phạm Đắc Na, Trưởng ấp Chà Là cho biết: ấp được chọn làm điểm theo phương án: Tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện hỗ trợ vật liệu, còn nhân dân đóng góp tiền, ngày công. Biết được thông tin này, người dân như mở cờ trong bụng và hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc, tiền mặt. Kết quả, cả thôn đóng góp được hơn 300 triệu đồng và hiến đất, cây trồng quy ra tiền hơn 1 tỷ đồng. Người dân cũng trực tiếp giám sát thi công, nghiệm thu công trình nên từng đoạn đường được làm nhanh, gọn, đảm bảo chất lượng.
Bằng cách làm này, đến nay hệ thống giao thông nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay. Toàn xã có 48,33km, trong đó quốc lộ, đường trục xã 19,17km, đã nhựa hóa 9,556km; đường liên ấp 8,35km, đã bê tông hóa được 3,81km; đường ngõ xóm 9,221km, bê tông hóa được 2,83km...
Vẫn khó “cán đích” đúng tiến độ
Đến thời điểm này, Thanh Bình đã đạt 15/19 tiêu chí. Số còn lại khó thực hiện là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và nhà ở dân cư. Năm 2013, toàn xã có 19 căn nhà tạm, dột nát. Đến năm 2014, xã vận động xây dựng được 5 căn tổng số tiền 230 triệu đồng. Hiện xã chưa có nhà văn hóa và khu thể thao trung tâm; 5/5 ấp đều có nhà văn hóa nhưng chưa đủ chuẩn về diện tích, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Năm 2014, xã đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa 2 ấp Sở Nhì và Đông Phất với tổng kinh phí 70 triệu đồng; làm mới sân bóng chuyền tại UBND xã hơn 35 triệu đồng; xây 4 cổng chào khu dân cư 4 ấp, trị giá từ 15-20 triệu đồng/cổng.
Ông Nguyễn Hữu Tính, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết, 4 tiêu chí còn lại khó đạt trong năm 2015 là do nhu cầu vốn lớn, trong khi sức dân có hạn. Vì vậy vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh. Hiện, xã vẫn tiếp tục huy động sức dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn; kêu gọi xã hội hóa xây dựng trường học, nhà văn hóa. Giao cho mỗi hội, đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân đóng góp xây dựng 1 căn nhà tình thương để giảm nhà tạm, nhà dột nát. Hiện xã còn 14 hộ khó khăn về nhà ở, dự kiến năm 2015 sẽ xây được 4-5 căn, số còn lại xin huyện hỗ trợ. Đối với tiêu chí trường học, nếu được hỗ trợ vốn thì cần khoảng 15 tỷ đồng, xã sẽ xây trường tiểu học và chuyển trường mầm non (do không đủ chuẩn về quỹ đất) sang địa điểm trường tiểu học cũ, đồng thời nâng cấp, trang bị thiết bị học tập để đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065