Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo
Đặc biệt, Bộ luật phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, cần có cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tự bảo vệ mình và bảo vệ quyền lợi của người khác.
Phó Thủ tướng chỉ rõ Bộ luật Hình sự là một trong những đạo luật lớn, rất quan trọng của Nhà nước Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung Bộ luật này là việc hệ trọng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm tiến hành tổng kết để đánh giá toàn diện thực tiễn thi hành và từ đó đề ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.
Theo chương trình xây dựng Luật, Bộ luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2015. Do đó, thời gian còn lại để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) không còn nhiều.
Trên cơ sở nhìn nhận những kết quả tích cực sau 14 năm thi hành Bộ luật cũng như những hạn chế, bất cập phát sinh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp và các bộ, ngành địa phương tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi nhằm xây dựng một Bộ luật mới khắc phục ở mức cao nhất các hạn chế, tồn tại đã gây khó khăn cho quá trình thực thi và ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của đất nước trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần bảo đảm Bộ luật hình sự sửa đổi lần này có tính khả thi cao, là Bộ luật mang tính hiện đại, tính dự báo, tính minh bạch và có chất lượng cao về mặt kỹ thuật lập pháp; tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bộ luật hình sự phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương "Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế."
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ Bộ luật hình sự phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng các quy luật và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng các quy định bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bộ luật phải được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Trong đó, có thể xem xét khả năng quy định tội phạm và hình phạt không chỉ trong Bộ luật hình sự mà cả trong các Luật chuyên ngành khác nhằm tạo sự linh hoạt, kịp thời trong đấu tranh với các loại tội phạm mới phát sinh, đồng thời bảo đảm tính ổn định lâu dài, giảm áp lực đối với việc sửa đổi thường xuyên.
Nhìn lại 14 năm thi hành Bộ luật hình sự 1999 cho thấy Bộ luật này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện một cách khách quan, toàn diện.
Theo Bộ Tư pháp, Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, đã hình sự hóa được khá nhiều hành vi nguy hiểm cao cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học.
Bộ luật có nhiều quy định mới thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm với phương châm giáo dục phòng ngừa là chính kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, đề cao tính nhân đạo, phát huy sức mạnh của cơ quan bảo vệ pháp luật, của các tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và một số địa phương qua thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự cho thấy đã nảy sinh ba loại bất cập nổi lên trong quá trình thi hành.
Đó là những hạn chế từ công tác tổ chức thực hiện, trong chính các quy định của Bộ luật và hạn chế xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế. Bộ luật quy định nhiều tình tiết mang tính “định tính.”
Điều này không những làm cho công tác áp dụng pháp luật trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng dẫn của các cơ quan liên ngành trung ương. Một số bất cập của Bộ luật đã phần nào làm cho việc áp dụng khó khăn, dẫn đến phát sinh tiêu cực, thiếu công bằng.
Nhiều trường hợp bị cáo đã thương lượng bồi thường vật chất và người bị hại không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố. Ngược lại đối với bị cáo không có điều kiện kinh tế để thương lượng bồi thường thì bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Đây là một bất hợp lý nhưng lại diễn ra phổ biến, gây bất bình trong xã hội suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, quy định về khung hình phạt của một số điều luật trong Bộ luật chưa thực sự hợp lý, dẫn tới việc áp dụng hình phạt chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan. Mức hình phạt đối với một số tội phạm chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Mức hình phạt đối với một số tội phạm còn thấp và chưa đủ tác dụng răn đe, giáo dục, trong khi một số tội phạm lại có mức hình phạt quá nghiêm khắc, không còn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…
Những bất cập trên đã đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định của Bộ luật hình sự, tạo một công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Những đề xuất, kiến nghị đã được các bộ, ngành, địa phương tham luận tại hội nghị, trong đó nhấn mạnh đến sáu định hướng cơ bản như hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự liên quan đến các tội phạm tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của Bộ luật.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065