Năm 2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt vị luật sư giả Lê Đình Chuyên với mức án 14 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Những tưởng đây là bài học đắt giá cho những ai còn ảo tưởng làm giàu bất chính bằng việc đội lốt luật sư để lòe bịp thiên hạ. Thế nhưng, tại huyện Lộc Ninh vẫn đang có kẻ núp bóng luật sư để lừa tiền của một số người dân.
PHÍA SAU BẢN HỢP ĐỒNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI
Bà Làm trình bày việc ký hợp đồng với “luật sư” Học
Theo tố cáo của bà Yến, năm 2011, vụ tranh chấp quyền sử dụng đất của gia đình được Tòa án Nhân dân huyện Lộc Ninh thông báo thụ lý. Sau đó, bà Yến đến Văn phòng luật sư Sài Gòn Viễn Đông tại thị trấn Lộc Ninh do luật sư Nguyễn Hoàng Phúc làm Trưởng văn phòng để nhờ hỗ trợ tư pháp. Tại đây, do luật sư Phúc đi vắng, bà Yến thấy một người ngồi ở bàn có đặt bảng hiệu “luật sư” nên đã trình bày lý do của mình. Người kia tự giới thiệu là luật sư chuyên tham gia bào chữa các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính với nhiều vụ việc phức tạp nhưng đã đạt kết quả mỹ mãn. Sau một hồi tán dương thành tích của mình, người này đề nghị bà Yến ký hợp đồng để bảo vệ quyền lợi tại phiên tòa. Do được nghe “hót” về thành tích nên bà Yến vui vẻ đồng ý để người này làm đại diện cho mình tại phiên tòa. Vài ngày sau, vị luật sư đem đến cho bà Yến những tờ giấy A4 đánh máy sẵn và tạm ứng 15 triệu đồng. Khi vị luật sư này đi khỏi thì người nhà bà Yến mới phát hiện bị lừa. Bà Yến tìm hiểu mới biết vị luật sư đó là giả, ông ta là Trần Thiết Học nên đã đòi lại tiền, đồng thời làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Thế nhưng “không những không trả lại tiền mà Học còn lớn tiếng đe dọa gia đình tôi”, bà Yến ghi trong đơn tố cáo.
Bà Phạm Thị Làm ở xã Lộc Thái là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp tài sản có trên đất với một hộ dân khác. Bà Làm tố cáo lên công an huyện và được công an huyện trả lời, đồng thời hướng dẫn bà khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Lộc Ninh vào cuối năm 2011.
Để có người tư vấn và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, bà Làm đến Văn phòng luật sư Sài Gòn Viễn Đông để nhờ hỗ trợ tư pháp. Tại đây, bà Làm gặp lại cảnh như bà Yến, đó là luật sư Phúc đi vắng và Trần Thiết Học khoác áo luật sư để tư vấn pháp luật. Cũng sau một hồi “nổ” thành tích, Học đề nghị bà Làm ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, hợp đồng ủy quyền đại diện pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn tại phiên tòa. “Tin tưởng vào thành công từ các phiên tòa do vị luật sư này bảo vệ, tôi như người mơ ngủ. Tôi được hứa rằng, vụ tranh chấp này có giá trị 120 triệu đồng, nếu thắng, bị đơn sẽ bồi thường thì tôi chia cho luật sư một nửa. Sau đó, bà Làm đã cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ, hồ sơ, băng đĩa liên quan đến vụ kiện và cho Học tạm ứng 2 triệu đồng để chi phí. Chờ lâu không thấy phía tòa án động tĩnh gì, bà Làm tìm hỏi thì Học trả lời rằng: “Chứng cứ yếu, băng đĩa bị hư nên khó thắng, phải xem lại cách khác”.
Hoảng sợ vì những lời nói của Học, bà Làm đi tìm người quen để hỏi thì phát hiện Học không phải là luật sư. Tìm hiểu thêm, bà Làm còn phát hiện ra nhiều trường hợp bị lừa như mình.
CHÂN DUNG VỊ LUẬT SƯ GIẢ
Sau khi nhận được đơn tố cáo của bà Bùi Thị Yến, luật sư Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh đã có công văn yêu cầu luật sư Nguyễn Hoàng Phúc, Trưởng văn phòng luật sư Sài Gòn Viễn Đông xác minh làm rõ nội dung đơn tố cáo và báo cáo về Ban chủ nhiệm trong thời gian sớm nhất.
Văn phòng luật sư Sài Gòn Viễn đông nơi Học đội lốt luật sư
Qua làm việc với Ban chủ nhiệm đoàn luật sư Bình Phước, chân dung thật của Trần Thiết Học đã được phác họa. “Trần Thiết Học sinh năm 1960, trú tại thị trấn Lộc Ninh. Trước đây, Học là nhân viên của cơ quan thi hành án dân sự huyện Lộc Ninh. Do không có bằng cấp nên cơ quan thi hành án Lộc Ninh cho Học thôi việc. Không nghề nghiệp, Học đến Văn phòng luật sư Sài Gòn Viễn Đông xin làm nhân viên giúp việc cho luật sư Nguyễn Hoàng Phúc khoảng 2-3 năm trở lại đây”, một thành viên trong đoàn luật sư Bình Phước tiết lộ về Học. Được biết, hiện có 6 trường hợp tố cáo Học đã rút đơn vì đối tượng đã “khắc phục một phần hậu quả”.
Bài học rút ra từ vụ án Lê Đình Chuyên khoác áo luật sư đi lừa đảo hơn 1 tỷ đồng đã bị pháp luật trừng trị bằng bản án 14 năm tù và trường hợp mạo danh luật sư của Trần Thiết Học nếu không xử lý sớm thì có bao nhiêu nạn nhân sẽ “vào bẫy”? Từ vụ việc trên cho thấy, ngoài sự hám lợi của cá nhân, còn có nguyên nhân của sự buông lỏng quản lý, thiếu giám sát của văn phòng luật sư nên đã vô tình tiếp tay cho những kẻ giả danh để thu lợi bất chính.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065