BẢN CHẤT PHẢN ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THÂN PHÁT XÍT
BP - Không chỉ có những thái độ, chính sách đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, chính phủ Trần Trọng Kim còn lộ rõ bản chất phản động, muốn dựa vào Nhật để được hưởng vinh hoa, phú quý mà không tốn một giọt mồ hôi, công sức nào...
Trên thực tế, ông Trần Trọng Kim cũng không phải là người không hề có ảo tưởng về phát xít Nhật như những kẻ xét lại lịch sử đã nhận xét. Bản Tuyên cáo của nội các Trần Trọng Kim đã vạch ra một chương trình hoạt động khá đầy đủ, đồng thời hô hào “quốc dân phải gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua”. Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của triều Nguyễn nói về bản tuyên cáo: “Rõ ràng là Trần Trọng Kim đã hạ quyết tâm phục vụ quan thầy Nhật đến cùng...”. Trong hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, ông Phạm Khắc Hòe có viết về các cuộc họp của chính phủ Trần Trọng Kim như sau: “Trong những ngày đầu tháng 8-1945, phong trào cách mạng chống phát xít Nhật và đòi đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim dâng lên rất cao. Trong cuộc họp của chính phủ Trần Trọng Kim ngày 3-8, ông Hồ Tá Khanh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, đứng dậy nói: “Phong trào Việt Minh đang ngày càng mạnh, cả nội các chúng ta nên rút lui để cho Việt Minh lên làm việc, may ra họ cứu được đất nước. Không ai rút lui, một mình tôi, tôi cũng xin rút...”. Ông Trần Trọng Kim bực tức nói: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn ào ào chạy ra! Trốn trách nhiệm, chạy dài như thế mà không xấu hổ à?”. Ông Hồ Tá Khanh nói tiếp: “Trách nhiệm của chúng ta lúc này là rút lui, chứ không phải là bám lấy! Bám lấy mới xấu hổ!”. Ông Nguyễn Hữu Thí, Bộ trưởng Bộ Tiếp tế, vỗ tay rất to: “Hoan hô ông bạn Hồ Tá Khanh!”. Không khí buổi họp trở nên rất căng thẳng”.
Ngày 17-8-1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), cuộc mít tinh do Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức đã bị phá vỡ, nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình, tuần hành của quần chúng cách mạng, do Việt Minh lãnh đạo - Ảnh tư liệu
Cách mạng tháng Tám thành công, chính phủ Trần Trọng Kim không thể tồn tại được. Ông Trần Trọng Kim có muốn duy trì nó cũng không xong. Ông ta đành ấm ức chấp nhận thực tế phũ phàng chứ không phải tự nguyện nhường quyền cho Việt Minh. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập sau Cách mạng tháng Tám là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy hy sinh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Pháp, Nhật và tay sai, chứ đâu phải là một chính phủ chuyển tiếp êm thấm. Càng không phải là nhờ thiện chí của ông Thủ tướng Trần Trọng Kim.
Trong Báo Cờ giải phóng (số 13), bài Tân Trào, có nói rõ: “Rồi đây, nội các Trần Trọng Kim có làm được công chuyện gì đáng kể không? Nhất định không! Thân phận bù nhìn, nó chỉ có thể giữ việc bù nhìn. Phương châm của nó là: Hứa hẹn thật nhiều, thực hành rất ít hay thực hành trái với lời hứa. Nhiệm vụ của nó là bọc nhung vào ách Nhật, đầu độc đồng bào. Thái độ của nó là: Ca ngợi giặc Nhật, vào hùa với giặc, áp bức bóc lột nhân dân. Cho nên, thấy Nhật thu thóc, nó câm miệng. Thấy Nhật tăng thuế, nó gật đầu. Thấy Nhật bắn giết, nó làm thinh. Giúp Nhật bắt lính, bắt phu, nó hô hào đi lính, đi phu cho Nhật”. Còn nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện viết: “Chính phủ Trần Trọng Kim tỏ ra bất lực hoàn toàn trong việc giải quyết những vấn đề lúc đó: nạn đói tiếp tục hoành hành, không một thể chế mới nào được ban hành, việc ân xá tù chính trị không được áp dụng cho những người “cộng sản”, tức là 9/10 người bị giam lúc đó... Chính phủ Trần Trọng Kim tự vạch mặt, đơn giản họ vừa là tay sai của người Nhật” (Việt Nam một thiên lịch sử - NXB Khoa học Xã hội, 2007).
Nói chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn, là tay sai của Nhật không phải tất cả vị bộ trưởng đều là bù nhìn, là tay sai. Nhiều vị là người yêu nước muốn đem tài năng ra phục vụ đất nước nhưng không làm được trong gọng kìm của Nhật. Sau khi nước nhà độc lập, họ ủng hộ chế độ dân chủ cộng hòa. Có người là bộ trưởng trong chính phủ cách mạng.
Tháng 6-1946, khi quân Quốc dân đảng sang tước khí giới Nhật phải rút về nước, Trần Trọng Kim liền bám theo, sang Trung Quốc tìm gặp Bảo Đại đang ở Hồng Kông để bàn mưu tính kế, có cả Cousseau - trùm mật thám Pháp tham dự. Bảo Đại đưa 500 đô la và gợi ý Trần Trọng Kim về Sài Gòn trước, còn Cousseau thì “giúp đỡ” thu xếp giấy tờ, phương tiện. Đầu tháng 2-1947, Trần Trọng Kim về Sài Gòn ở cùng vợ con, thường xuyên tiếp xúc với bọn thực dân Pháp và chờ đợi chúng sử dụng. Ông Phạm Khắc Hòe bị Pháp bắt ở Hỏa Lò - Hà Nội, rồi đưa vào giam lỏng ở Đà Lạt để dụ dỗ, thuyết phục ông “cộng tác” nhưng ông Hòe kiên quyết từ chối. Pháp đưa ông trở ra Hà Nội. Từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, ông Hòe ghé thăm ông Kim. Trần Trọng Kim nói với ông Hòe: “Tôi ở đây chán lắm rồi, không muốn làm gì nữa cả”. Ông Hòe hỏi: “Sao cụ lại chán đời thế?” - “Vì bọn Tây ở đây đểu lắm. Thôi, dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng (dùng thì ra làm, bỏ thì ở ẩn), tôi thấy tuân theo lời dạy của Đức Thánh (Khổng Tử) là tốt hơn cả”. Làm tay sai cho Nhật, đến khi Nhật bại trận, tìm dựa thực dân Pháp, sống ở trong hang ổ của bọn xâm lược, mong chúng dùng giữa lúc nhân dân ta kháng chiến để giữ độc lập. Pháp bỏ không dùng, đành phải ở ẩn, lấy lời Khổng Tử để tự an ủi. Lòng yêu nước “chân thành”, “đấu tranh giành độc lập” của Trần Trọng Kim mà đến nay vẫn còn có người ca ngợi là vậy đó!
Như vậy, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim có công hay có tội với đất nước, lịch sử đã ghi rõ. Những luận điệu xuyên tạc, đổi trắng thay đen, đánh đồng công - tội của những kẻ xét lại lịch sử cuối cùng cũng sẽ bị nhân dân vạch mặt, lên án.
Thanh Quang
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065