NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TRƠ TRẼN
Đã có không biết bao nhiêu tài liệu, sách, báo và hàng trăm nhà sử học, các vị tiền bối, lão thành cách mạng, những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đưa ra những chứng cứ lịch sử rất rõ ràng trong các công trình nghiên cứu, các bài viết, bài nói của mình để vạch trần bản chất bù nhìn, hại nước, hại dân của chính phủ Trần Trọng Kim. Tuy nhiên, với luận điệu xác lập quan điểm mới cho những khoảng trống lịch sử, vẫn có những kẻ đề cao “công lao” của Trần Trọng Kim, cố tình viết sai sự thật, đổi trắng thay đen, tôn vinh kẻ bán nước, đầu hàng giặc cướp nước, phục vụ quân xâm lược thành người yêu nước. Thậm chí họ cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim đã có những đóng góp rất to lớn cho dân tộc, cho đất nước mà không hề mảy may ảo tưởng về phát xít Nhật, không hề có một chút tham vọng chính trị gì, bởi theo họ, “sau khi triều đình lấy lại được Nam kỳ, khi trở về Huế, Trần Trọng Kim đã xin từ chức”.
Theo họ thì chỉ trong thời gian ngắn hoạt động (từ ngày 17-4-1945 đến 23-8-1945), chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được một số việc vừa mang tính chất cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài, như thu hồi hệ thống nền hành chính của thực dân Pháp, cứu đói, thả tù chính trị... Tuy nhiên, vì thực lực của chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó không có nên thành quả đạt được rất hạn chế (?!). Rồi thì chính phủ Trần Trọng Kim đã hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước (?!). Và ông Trần Trọng Kim không có ảo tưởng về phát xít Nhật mà tỉnh táo, nhận rõ bản chất tàn bạo, bóc lột của chế độ ấy... Hoặc trơ trẽn hơn, họ còn khẳng định không thấy tài liệu nào nói chính phủ Trần Trọng Kim cho phép các đảng phái chính trị hoạt động nhưng trong thời gian tồn tại của chính phủ Trần Trọng Kim, hoạt động của các tổ chức chính trị rất tự do, đa dạng, kể cả hoạt động rầm rộ của mặt trận Việt Minh mà đằng sau do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều này chứng tỏ chính phủ không cấm các đảng phái hoạt động.
Vậy, chính phủ Trần Trọng Kim có công hay có tội? Trước hết, nói về việc cứu đói. Chính Báo Ngày Nay - tờ báo ban đầu rất ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim - số ra tháng 6-1945 đã không giấu được sự thất vọng khi viết: “Chúng tôi nhận thấy ai ai cũng thất vọng và chán nản, vì sau hai tháng hô hào và tốn bao giấy mực, dân đói miền Bắc cũng chưa thấy một bao gạo nào ở Nam đưa ra. Lời tuyên bố của Thủ tướng (Trần Trọng Kim - TG) vẫn còn đó: “Cần nhất là phải tiếp tế cho dân đói miền Bắc” mà tới nay việc làm vẫn chưa đi theo lời nói”.
Chúng ta không hoàn toàn đổ lỗi cho ông Trần Trọng Kim, song phải khẳng định sự bất lực của chính phủ Trần Trọng Kim phần lớn là do tính chất bù nhìn của nó. Nó không thể bớt chỗ nào thừa cho chỗ không có. Nó không thể chống nạn đầu cơ ở miền Bắc lúc ấy vẫn còn gạo trong các kho của quân phiệt Nhật. Nhật tích trữ lương thực để nuôi quân. Từ ngày 9-3 (thời điểm Nhật đảo chính Pháp) đến giữa tháng 6, việc thu thóc tạ vẫn được thi hành trong lúc hàng chục vạn đồng bào ta chết rũ dọc đường xó chợ. Chính phủ Trần Trọng Kim đâu dám đụng đến kho thóc của quân Nhật. Chính phủ đã cam đoan với Nhật là tiếp tế cho Nhật bằng hay hơn Pháp, để xứng đáng với cái độc lập mà Nhật ban cho! Bằng chứng là Chính phủ Trần Trọng Kim đã tuyên bố chống lại phong trào cách mạng, chống Việt Minh thực hiện vận động nhân dân phá kho thóc của Nhật để tự cứu đói bằng Đạo dụ ngày 13-6-1945. Theo Đạo dụ này, ai cướp phá hoặc làm hư hại kho ngũ cốc, đồ ăn, gạo, đều bị kết án tử hình! Chẳng lẽ những việc làm nêu trên của chính phủ Trần Trọng Kim là vì nhân dân, là yêu nước ư?
Còn việc “ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị” sự thực là như thế nào? Đạo dụ ngày 17-5-1945 quy định chỉ thả những phạm nhân chính trị không phải cộng sản, còn những người bị xử tội cộng sản thì không kể tới. Trên thực tế, sau ngày 9-3-1945, có một số rất ít tù cộng sản được ra khỏi nhà lao. Đó là do những cuộc đấu tranh mạnh mẽ tại một số nhà tù buộc địch phải thả một ít người và một số tù nhân lợi dụng sơ hở của địch trong lúc giao thời đã vượt ngục chứ không phải do “được thả”. Điều rõ ràng là hàng ngàn tù nhân “cộng sản” vẫn bị giam giữ ở các nhà tù cho đến ngày Nhật thua trận. Người tù cộng sản nổi tiếng Tôn Đức Thắng và các tù nhân bị giam ở Côn Đảo chỉ được tự do sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Đối với vấn đề thu hồi chủ quyền ở Nam bộ và các nhượng địa như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, chính phủ Trần Trọng Kim cũng thất bại hoàn toàn. Báo Ngày Nay, số ra ngày 2-6-1945 đã không giấu được nỗi nghi ngờ thất vọng, viết trong bài “Cần phải minh bạch” như sau: “Đã ba tháng qua từ ngày đảo chính (9-3) mà tình thế vẫn còn ở trong vòng tạm bợ, không dứt khoát, vẫn chưa ký một hiệp ước giữa hai nước Nhật - Việt để định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của hai chính phủ về đất đai, về tổ chức xứ này...”. Bắc kỳ và Trung kỳ chỉ có sáp nhập ở hình thức là Huế cử một ông khâm sai đại thần ở Hà Nội như sau năm 1884 với người Pháp. Khâm sai đại thần mang áo mão triều đình cho có lệ, còn mọi công việc đều phải thừa lệnh khâm sứ Nhật và quân đội Nhật ở Hà Nội. Báo Thanh Nghị - một tờ báo từng làm trạng sư hùng hồn cho chính phủ Trần Trọng Kim - ngay số báo 111, đã phàn nàn rằng: “Đối với dân chúng miền Bắc, nội các hành động như một bóng ma. Nam kỳ thì Nhật giữ làm thuộc địa. Mãi đến vài ngày trước khi Nhật đầu hàng, Nhật mới chịu nhả Nam kỳ ra. Ông khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm được chỉ định lãnh chức, lót tót về Sài Gòn thì cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám sắp nổ ra”.
Về hoạt động của các đảng phái chính trị, Đạo dụ của chính phủ Trần Trọng Kim ngày 13-6-1945 nhằm trực tiếp chống phong trào Việt Minh, trong đó có điều khoản: “Cấm chỉ mọi cuộc tụ tập trên 10 người”; Sắc lệnh ngày 15-7, cấm các công đoàn hoạt động chính trị. Đạo dụ ngày 30-5 về xuất bản, bắt buộc: “Từ nay những báo chí, sách in, tuồng hát, vở kịch, bài diễn thuyết, chương trình, yết thị... phải trình lên Tòa kiểm duyệt, ai không tuân sẽ bị nghiêm trị”. Nghị định ngày 28-7-1945, lệnh tất cả báo chí, sách đã được xuất bản trước ngày đó đều phải xin phép lại ở Bộ Nội vụ trong thời gian hai tháng. Phải gạt bỏ sách, báo không ủng hộ chính phủ.
Thanh Quang
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065