Theo các chuyên gia ngân hàng, con số thực về khoản lãi từ tài khoản ATM của các ngân hàng thật khó xác định...
Mới đây, nhiều thông tin cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã công bố về tiền gửi tài khoản thanh toán của khách hàng. Tính đến hết tháng 6-2013, có hơn 89.800 tỷ đồng trong tài khoản thẻ ATM, tương ứng với hơn 42,7 triệu tài khoản. Số tiền này hầu hết nằm trong các ngân hàng dưới dạng tài khoản nhận lãi suất không kỳ hạn là 1,2%/năm, áp dụng cho VND.
Con số lãi 90.000 tỷ đồng khiến nhiều người tiêu dùng "giật mình". Nhiều người dân cho rằng, họ đang chịu thiệt thòi khi số tiền từ tài khoản ATM chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 1,2%/năm, trong khi trần lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn cao gấp 6-7 lần mức này. Hơn nữa, dù ngân hàng có một lượng tiền lớn nhưng vẫn thu phí giao dịch đối với tài khoản ATM, trong đó có phí giao dịch nội mạng và ngoại mạng. Việc làm này của các ngân hàng khiến nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng, nhất là khi chất lượng các cây ATM đến giờ vẫn bị đánh giá là chưa ổn định.
Trong những năm gần đây, khi tài khoản ATM phát triển, các ngân hàng không ngừng mở rộng mạng lưới giao dịch của mình ở tất cả những công sở, công ty. Việc mở một tài khoản thẻ ATM cũng rất đơn giản nên trong thời gian ngắn, rất nhiều các tài khoản ATM đã được hòa vào hệ thống của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng vì thế càng trở nên lớn mạnh về uy tín lẫn tiềm lực tài chính.
|
Các ngân hàng lãi 90.000 tỷ đồng từ tài khoản thẻ ATM |
Trao đổi với Kiến Thức, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: Với sự phát triển của mạng lưới ATM như hiện nay, các ngân hàng đang dần thu lợi được nhiều hơn từ dịch vụ này. Tuy nhiên, con số lãi thực là bao nhiêu thì khó có thể xác định được, bởi dòng tiền trong ATM luôn luôn thay đổi. Đó là một tài khoản dùng để thanh toán nên người gửi có thể rút ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, đối với những người thu nhập thấp thì họ sẽ rút ra ngay sau khi nhận lương chứ không chờ tiền ấy có sinh lãi.
Cũng theo TS Cao Sỹ Kiêm, ngân hàng chỉ hưởng lợi từ số tiền từ tài khoản ATM nếu số tiền đó để lâu trong cây ATM, tức là các giao dịch đối với tài khoản này rất ít. Số tiền 90.000 tỷ đồng là con số tổng của hệ thống các ngân hàng vào một thời điểm nhất định chứ thực tế có hay không thì còn nhiều điều phải xét.
TS Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, việc đầu tư vào hệ thống ATM của các ngân hàng không phải không có lãi vì đã là đầu tư thì ít nhiều phải sinh lời nhưng số lãi đó không lớn, bởi các ngân hàng phải đảm bảo một lượng tiền nhất định phục vụ cho nhu cầu giao dịch của các khách hàng tại cây ATM.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó giám đốc Ngân hàng VietBank chi nhánh Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Thẻ ATM là một dịch vụ tiện ích của các ngân hàng, đáp ứng nhu cầu giao dịch tức thì của các khách hàng tại một thời điểm. Theo nguyên tắc, để đảm bảo tiền cho người dân giao dịch, mỗi máy ATM phải để lưu trong máy khoảng 400 - 500 triệu đồng/ngày. Số tiền này chính là số dư thanh khoản cũng là số tiền để duy trì thanh khoản. Việc duy trì thanh khoản có thể tăng vào cuối tuần hoặc cuối tháng khi số lượng giao dịch của người dân tăng lên.
Theo ông Nguyễn Tuấn Linh, không phải ngân hàng nào cũng có thể mở hệ thống ATM, chỉ những ngân hàng lớn hoặc có tiềm lực lớn về tài chính mới làm điều này. Bởi lẽ, để xây dựng một hệ thống ATM, số tiền mà các ngân hàng phải bỏ ra rất lớn. Số tiền đó là chi phí cho việc làm thẻ, mua máy ATM, lắp đặt, bảo dưỡng máy, chi phí cho việc kết nối hệ thống kỹ thuật, chi phí cho các hoạt động an ninh... Do đó, lãi suất tiền gửi ATM thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm là điều đương nhiên. Ngân hàng cũng cần phải thu phí giao dịch để tiếp tục đầu tư, nâng cấp những máy ATM mới. Bởi lẽ, để xây dựng được mạng lưới ATM là một việc làm rất tốn kém.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Linh cũng cho rằng, các ngân hàng cần tính toán chi phí giao dịch ATM hợp lý, không nên vì quá chú trọng đến việc sinh lời mà không đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
(Theo Kienthuc)