BP - Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, hoàng hậu nước Catina, phía Nam Nepal ngày nay, đã sinh hạ được một hoàng tử đặt tên là Gautama Siddhartha (Tất Đạt Đa). Siddhartha là người thông minh, hiếu học, có tri thức uyên thâm và cưỡi ngựa, bắn cung rất giỏi nhưng lại rất đa sầu, giàu lòng thương cảm. Siddhartha trăn trở, liệu sinh - lão - bệnh - tử là con đường mà một đời người phải trải qua và làm cách nào để giải thoát? Siddhartha cũng đã đọc qua Kinh Veda, Bà la môn... nhưng không thấy câu trả lời nên hoàng tử nảy sinh ý định đi tu.
Vua cha vội cưới vợ cho Siddhartha để ông từ bỏ ý định xuất gia và năm 27 tuổi, hoàng tử đã có con trai. Khi hoàng thành đang ăn mừng thì Siddhartha rời bỏ hoàng cung tìm đến các nhà hiền triết để tìm hiểu cội nguồn của lẽ sống nhưng vẫn không có kết quả. Ông vào rừng tìm nơi thanh tịnh, suối nước trong lành để tìm đường giải thoát nhưng thể xác vẫn bị suy kiệt nên Siddhartha phải bỏ lối tu hành khổ hạnh. Siddhartha chọn một gốc cây bồ đề, ngồi xếp bằng hướng về phía đông, sau 49 ngày ông đã thấu hiểu mọi lý lẽ của cuộc sống, ngộ đạo thành Phật và bắt đầu cuộc đời truyền đạo. Lịch sử đương thời gọi ông là Đức Phật (Buddha) Thích Ca Mâu Ni và tôn giáo của ông là Phật giáo. Phật Thích Ca Mâu Ni phản đối Bà la môn giáo và chế độ đẳng cấp, đề ra khẩu hiệu “Chúng sinh bình đẳng”. Siddhartha truyền giáo với lời lẽ phổ thông nên rất dễ hiểu, mọi người tiếp thu nhanh.
Nghe tin Siddhartha thuyết giảng về đạo, nhiều vị phú thương thành Vương Xá (thuộc bang Bihar) hiến đất xây cho ông một tịnh xá làm nơi truyền đạo. Quốc vương nước Mocheto cũng đến đây để nghe thuyết giảng. Các nhà buôn, quý tộc các nước xung quanh đã xây chùa, mở tịnh xá để mời ông về rao giảng. Dấu chân Siddhartha đi giảng đạo đã in kín 2 bên bờ sông Hằng, tín đồ theo ngày một đông. Những năm cuối đời, Siddhartha chủ yếu đi lại giữa 2 thành Vương Xá và Xá Vệ. Ông đưa ra mục tiêu cơ bản cho mọi người khi đạt được độ “hạnh phúc nhất của đời người là thoát khỏi mọi dục vọng. Khi đó, con người sẽ đạt được sự viên mãn về tinh thần và linh hồn”. Học thuyết của ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp xã hội. Riêng bản thân Siddhartha rất được nhân dân Ấn Độ ngưỡng mộ. Cùng với sự phát triển, mâu thuẫn trong nội bộ cũng không ngừng xuất hiện. Để hạn chế những rạn nứt, Phật giáo đã ban hành hàng loạt điều cấm kỵ. Để phổ độ chúng sinh, ngày 15-2-485 trước Công nguyên, lúc này Siddhartha 80 tuổi đã triệu các đệ tử đến để nghe ông nói chuyện lần cuối cùng. Sau đó, ông nằm nghiêng dưới 2 gốc cây lấy tay phải gối đầu, đầu nằm hướng bắc, chân hướng nam, lưng hướng đông và mặt hướng tây lặng lẽ rời khỏi thế gian. Sau 7 ngày, thi thể của ông được hỏa táng, quốc vương 8 nước trong vùng yêu cầu chia xá lợi (tro cốt) thành 9 phần và xây tháp để cúng.
Đến thế kỷ thứ III trước Công nguyên, triều đại Khổng Tước ở Ấn Độ (Maurya) lấy đạo Phật làm Quốc giáo. Từ đó, đạo Phật được truyền bá rộng rãi sang các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... và trở thành một trong 3 tôn giáo lớn của thế giới.
T.Phong
(Trích nguồn các sự kiện nổi tiếng thế giới)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065