Nước Pháp lúc này rơi vào khủng hoảng tài chính, vua Louis XVI triệu tập một hội nghị các đẳng cấp vào tháng 5-1789, Lafayette đại diện cho đẳng cấp thứ 2 đến dự. Thế nhưng, hội nghị này đã không thành công lại còn khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa các đẳng cấp với chế độ phong kiến Pháp. Ngày 14-7-1789, người dân Pari tấn công vào ngục Bastille, Lafayette được Quốc hội giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng vệ binh quốc gia chống lại chế độ phong kiến. Ngay sau khi ngục Bastille bị nhân dân Pari công phá, nước Pháp tổ chức Hội nghị quốc dân để xây dựng hiến pháp. Lafayette được giao nhiệm vụ soạn thảo văn kiện có tính cương lĩnh chống phong kiến của giai cấp tư sản Pháp. Và ông đã trình bày bản Tuyên ngôn nhân quyền trước Quốc hội với tên đầy đủ là “Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân”. Ngày 26-8-1789, Bản Tuyên ngôn nhân quyền chính thức được thông qua.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền gồm 17 điều, tập trung biểu đạt về chủ trương chính trị của các nhà tư tưởng khai sáng trong thế kỷ XVIII. Mở đầu bản Tuyên ngôn nhân quyền viết: “Người ta sinh ra đều có quyền tự do, bình đẳng”. Bởi trước khi cuộc cách mạng tư sản nổ ra, Pháp là nước phong kiến, xã hội phân chia nhiều tầng lớp khác nhau. Tầng lớp thứ ba là thành phần hạ đẳng không quyền bình đẳng và tự do trong xã hội phong kiến đương thời. Còn giai cấp quý tộc phong kiến, vua chúa là bậc thượng lưu, đẳng cấp số 1. Trong khi đó, giai cấp tư sản Pháp thuộc tầng lớp thứ ba, cũng bị bọn quý tộc phong kiến thống trị, kìm kẹp đủ điều. Cũng như nhân dân lao động, giai cấp thứ ba này không có tự do và bình đẳng, bởi quyền lực thuộc về vua và tầng lớp quý tộc. Vì vậy, Tuyên ngôn nhân quyền do Lafayette soạn thảo đã kêu gọi: “Mọi con người đều có quyền được tự do, quyền sở hữu tài sản, quyền được an toàn về thân thể và quyền chống áp bức bóc lột... là những quyền lợi tự nhiên của con người không gì lay chuyển nổi”; “Mỗi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác và xuất bản, pháp luật là biểu hiện ý chí chung, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật...” và được nhân dân, giai cấp tư sản Pháp ủng hộ triệt để.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, tuy bản tuyên ngôn còn có những hạn chế nhưng mang giá trị nhân văn to lớn. Đặc biệt, bản tuyên ngôn đã phủ nhận tư tưởng, học thuyết bịp bợm của chế độ phong kiến khi chúng luôn nêu rằng “Vua là người được thượng đế trao quyền cai trị” và đặt ra các đặc quyền phong kiến. Bản tuyên ngôn còn đưa ra nguyên tắc dân chủ, tự do, bình đẳng, dân làm chủ và tam quyền phân lập cũng như dùng luật pháp để khẳng định tư tưởng của các nhà khai sáng trong quá trình vận động và phát triển của xã hội. Ngoài ra, bản Tuyên ngôn nhân quyền còn có tác dụng to lớn đối với ý thức cách mạng của nhân dân, động viên người dân vượt qua những rào cản về mặt tư tưởng để đứng lên đánh đổ chủ nghĩa phong kiến chuyên chế, thiết lập một trật tự xã hội mới.
T.Phong
(Trích nguồn các sự kiện nổi tiếng thế giới)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065