BP - Dù đã có kế hoạch mồng hai tết, cả gia đình sẽ về quê nội đến hết thời gian nghỉ, thế nhưng chiều ba mươi tết, tôi vẫn ra chợ Đồng Xoài “chuốc” thêm mấy thứ rau quả bỏ vào tủ lạnh. Ngày thường không sao, tết mà không có gì lạ mang ra đãi khách thì thật khó coi! Nói là “chuốc” bởi ngày tết, mọi thứ đều tăng giá khá cao, nhất là rau quả. Vì thế, tôi đành “cắn răng” mua 1 cây bắp cải tím, 2 củ hành tây, một nắm cần tây Đà Lạt với giá 120 ngàn đồng - điều mà ngày thường chắc chắn tôi không làm. Một thùng vú sữa hoàng kim từ Bù Đốp gửi về cũng được bọc gói cẩn thận cho vào ngăn lạnh. Kết quả là mồng bảy tết trở về, tất cả mọi thứ vẫn còn chất trong tủ, có thứ còn dùng tạm, nhưng hầu hết đã bị hư. Tự tay bỏ đi những thứ vừa săm soi mua sắm cách đó chỉ vài ngày, tôi thật day dứt.
Với tâm lý “đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết” nên cả năm làm lụng vất vả, chi tiêu tiết kiệm, không ít người lao động lại phóng tay tiêu pha vào những thứ vô bổ, phù phiếm trong dịp tết chỉ bởi một cái tặc lưỡi, tết mà! Nhiều bà nội trợ quan niệm dư dả ba ngày tết để lấy hên cả năm nên mua thực phẩm về chất đầy tủ lạnh. Có nhà neo người, biết rõ không ăn đến nhưng vẫn làm mâm cao cỗ đầy cúng tổ tiên, sau đó đổ bỏ. Gần nhà tôi có dãy nhà trọ 16 phòng, chủ yếu là người lao động ở. Dịp tết vẫn còn 6 gia đình ở lại. Vậy mà trong cái thùng xốp đựng rác ở đầu dãy trọ, có tới 4 cái bánh chưng bị mốc, một khúc giò và một hộp xốp đựng thịt, cá bị thiu, chưa kể những túi mứt bị chảy nước cùng rất nhiều trái cây và rau, củ hư hỏng.
Ra tết, đi qua mấy xe rác mới thấy dân tình sao mà lãng phí đến thế. Có anh bạn chiều ba mươi tết còn khoe trên “phây” cành đào rừng gửi mua từ miền Bắc, tính cả phí vận chuyển hết gần 2 triệu đồng, đến mồng bảy tết đã thấy vứt ra đường. Rồi những cây quất còn đầy quả, những mâm ngũ quả phải mua với giá rất cao trước tết cũng bị vứt bởi chả ai dám ăn vì sợ trái cây phun hóa chất... Dường như tất tần tật những thứ tích cóp, thu vén cho một cái tết đủ đầy... đã bị vứt bỏ.
Thế nhưng sự lãng phí mà tôi vừa kể mới chỉ là những vật “rẻ tiền mau hỏng” của những người có mức sống bình dân. Cái sự lãng phí của các “đại gia” trong dịp tết kia mới là điều đáng nói. Trước mỗi dịp tết thường diễn ra cuộc đua săn hàng độc lạ, giá đắt đỏ như một cách để các đại gia thể hiện đẳng cấp của mình. Có người chi hàng tỷ đồng để mua 1kg trứng cá tầm hay chi hàng trăm triệu đồng để mua thực phẩm nhập ngoại như thịt kanguru, cua khổng lồ từ Ô-xtrây-li-a. Rồi dưa hấu hình thỏi vàng, dưa hấu vuông... cũng được nhiều người lùng mua với mức giá “cắt cổ”. Có người sẵn sàng chi tiền tỷ để rước về một gốc bonsai. Năm nay, cây hồng đá bonsai đang trở thành thú chơi cây cảnh mới của giới nhà giàu, với giá bán dao động từ vài chục đến vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Tại triển lãm sinh vật cảnh chào xuân Kỷ Hợi được tổ chức ở Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), dàn cây đỗ quyên cổ thụ của một nghệ nhân ở Sa Pa đã gây chú ý nhờ hình dáng độc lạ của nó, trong đó có một cây đỗ quyên cổ thụ gần 400 tuổi, giá bán 860 triệu đồng...
Những ngày cận tết, trong các chợ, siêu thị, hàng tết với bánh mứt, kẹo, giò chả, măng miến... chất cao như núi. Vậy mà chỉ đến trưa ba mươi, tất cả đã được “vét” sạch. Cái không khí mua sắm những ngày cận tết cứ như lên đồng. Có người nói điều đó là đáng mừng, bởi cho thấy mức sống của người dân đã được nâng cao, có khá giả người ta mới mua sắm rầm rộ thế. Nhưng cứ nhìn những xe rác chở đi những thứ bị vứt bỏ sau tết mới thấy xót xa. Người dân đã vậy, nhiều cơ quan cũng tốn kém thời gian, chi phí cho tiệc tùng. Cả xã hội đang lãng phí khủng khiếp trong dịp tết!
Dù không phải là vấn đề mới, nhưng sự lãng phí khủng khiếp trong dịp tết Nguyên đán là chuyện “đến hẹn lại lên” và rất khó thay đổi. Bởi thế, các cơ quan văn hóa, tuyên truyền cần có chiến lược tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về việc vui xuân đón tết. Giá như tất cả những thứ chỉ sử dụng trong ba ngày tết rồi bị đổ bỏ kia được dành lại để chia cho những người còn nghèo khó không mua nổi cặp bánh chưng trong dịp tết sẽ tốt đẹp biết nhường nào.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065