Đến lượt Bộ GD-ĐT cũng lên tiếng về việc đổi “phí” thành “giá”. Cụ thể, trình bày trước Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 5, sáng 30-5-2018 các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học và đổi cụm từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”. Tuy nhiên, dư luận xã hội cũng như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội không nhất trí với việc đề xuất thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”. Và cứ đà này thì có thể trong tương lai gần, các bệnh viện cũng đề nghị không sử dụng cụm từ “viện phí”, mà thay vào đó là “giá khám, chữa bệnh”. Vậy, giữa “phí”, “giá” có gì giống và khác nhau mà phải thay đổi cách gọi? Bài viết không ngoài mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về 2 từ này.
Trạm thu giá Bến Lức (Long An) - Ảnh internet
Về khái niệm, theo Wikipedia, phí hay lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước như lệ phí tuyển sinh, lệ phí giấy tờ, lệ phí trước bạ... Bản chất nó là biểu hiện giá trị bằng tiền của thù lao, giá cả và chi phí bỏ ra để thực hiện hoặc buộc phải thực hiện một hoạt động nhất định nào đó. Việc thu phí, thu lệ phí thường được quy định cụ thể ở mỗi quốc gia.
Theo Luật Phí và lệ phí năm 2015, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo luật này.
Về giá (giá cả), theo Wikipedia, giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, nghĩa là số lượng tiền phải trả cho hàng hóa đó. Theo nghĩa rộng đó là số tiền phải trả cho một hàng hóa, một dịch vụ, hay một tài sản nào đó. Giá cả của hàng hóa nói chung là đại lượng thay đổi xoay quanh giá trị. Khi cung và cầu của một hay một loại hàng hóa về cơ bản ăn khớp với nhau thì giá cả phản ánh và phù hợp với giá trị của hàng hóa đó, trường hợp này ít khi xảy ra. Giá cả của hàng hóa sẽ cao hơn giá trị của hàng hóa nếu số lượng cung thấp hơn cầu. Ngược lại, nếu cung vượt cầu thì giá cả sẽ thấp hơn giá trị của hàng hóa đó.
Trong Luật Giá đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 không đưa ra khái niệm về giá. Tuy nhiên, có thể hiểu theo nghĩa: Giá được tính toán bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.
Xét về bản chất, phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ. Còn với giá lại mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư. Nói tóm lại, giá là thước đo giá trị của hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp đặt ra để đánh giá và phân loại phẩm chất của hàng hóa.
Về phạm vi, phí là khoản tiền cố định với loại hình dịch vụ công, muốn thay đổi phải thông qua Bộ Tài chính hoặc HĐND địa phương. Còn giá có phạm vi bao trùm hơn khi nó bao gồm các loại chi phí và cả lợi nhuận khi cung ứng dịch vụ. Giá được linh hoạt điều chỉnh và dựa vào khung giá gồm giá tối đa và giá tối thiểu
Cơ quan ban hành: Do Bộ Tài chính và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và phí được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc nộp cho tổ chức được Nhà nước giao.
Đối với giá, mức giá do nhà cung cấp dịch vụ cung cấp trên cơ sở quy luật thị trường. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng nhất định thì nhà cung cấp phải chịu sự quản lý của nhà cung cấp dịch vụ.
Về việc miễn, giảm: Với người sử dụng dịch vụ công thì Nhà nước đưa ra một số chính sách với các đối tượng được miễn, giảm. Ví dụ: Hộ nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số,...
Đối với giá, về nguyên tắc thì không miễn, giảm. Tuy nhiên, tùy theo các chính sách để thúc đẩy “cầu” dịch vụ mà chiến lược được nhà đầu tư thực hiện theo các phương thức khác nhau.
Như vậy, xét dưới góc độ khái niệm và bản chất, giữa “phí” và “giá” có những điểm khác nhau nhưng không hoàn toàn khác biệt. Hơn nữa, ở nước ta hiện nay có nhiều loại hình dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ vào giá. Ví dụ, các dịch vụ trong khám, chữa bệnh, các hoạt động giáo dục... Đối với các hoạt động này, nếu tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì phải tính cả chi phí xây dựng bệnh viện, trang thiết bị khám chữa bệnh, vốn đầu tư xây dựng trường học... Vì thế, theo khái niệm về phí như đã nêu thì việc gọi là phí qua trạm BOT, hay học phí, viện phí là phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay.
Và trong phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến kết luận rất rõ ràng: Không sử dụng tên gọi “trạm thu giá”, mà vẫn sử dụng tên gọi “trạm thu phí BOT”; không thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”.
N. Thúy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065