BP - Những ngày qua, một đoạn clip ngắn về chiếc xe ôtô biển số xanh di chuyển thật chậm trên cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) để chắn gió “dìu” một người đàn ông đi xe máy loạng choạng trong mưa bão qua cầu đã gây sự chú ý của cộng đồng mạng. Đó là việc làm ý nghĩa của hai anh Nguyễn Xuân Nam và Vũ Huy Công, Học viện Cảnh sát nhân dân trên đường làm nhiệm vụ và diễn ra ngay trong ngày thành lập ngành công an nhân dân (19-8) nên càng có ý nghĩa hơn. Việc làm của hai chiến sĩ công an thể hiện bản chất tốt đẹp của lực lượng công an và ngay lập tức được Chủ tịch nước gửi thư khen. Trước đó, hàng loạt vụ xe chở hàng bị lật đổ xuống đường được người dân thu gom hàng hóa giúp lái xe mà không hề diễn ra nạn “hôi của” cũng được chia sẻ trên mạng. Đó là những việc làm đậm tính nhân văn, rất cần được nhân rộng.
Tiếc là trong cuộc sống, những lời nói, hành vi, cử chỉ thể hiện thói dửng dưng, vô cảm của con người vẫn còn không ít. Vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu vượt Thái Hà (Hà Nội) hồi đầu tháng 11 năm ngoái làm hàng chục người thương vong khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng. Nhưng điều người viết muốn đề cập là ngay sau khi tai nạn xảy ra, người bu lại rất đông, nhưng chỉ có một số người xắn tay hỗ trợ, giúp đỡ những người bị nạn, còn đa số đứng bàn tán hoặc lấy điện thoại ra quay, chụp hình. Rồi xem những clip về nạn bạo lực học đường cũng thấy trong lúc các nữ sinh lao vào đánh, ghì tóc, xé áo nhau thì rất nhiều bạn đứng ngoài hò reo cổ vũ mà không một người nào lao vào can ngăn...
Có thể thấy dửng dưng, vô cảm là đề tài được đề cập khá nhiều trên các trang báo hiện nay và được xem như một thứ bệnh dịch đáng sợ, một căn bệnh trầm kha rất khó chữa. Những chuyện cha con đưa nhau ra tòa, anh chị em từ mặt nhau chỉ vì tranh chấp tài sản, cháu kề dao vào cổ ông bà để “xin” tiền... xảy ra như cơm bữa. Bởi thế, khi có một việc làm tốt thì lập tức trở thành sự khác lạ trong đời sống. Đã có nhiều cuộc tọa đàm trên sóng truyền hình và nhiều bài viết trên các trang báo “mổ xẻ” thói vô cảm, dửng dưng. Và qua lý giải của các tác giả thì có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính, sâu xa là từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Từ khi đất nước đổi mới, kinh tế ngày càng phát triển, điều kiện vật chất ngày càng đủ đầy, sung túc thì con người lại đối xử với nhau lạnh lùng, nhạt nhẽo theo kiểu “tiền trao cháo múc”, “khôn sống bống chết”, cháy nhà hàng xóm vẫn “bình chân như vại”. Vì một miếng đất có giá trị, người ta không ngần ngại bỏ qua tình máu mủ ruột thịt, tranh chấp nhau từng mét vuông. Có người còn không chăm nom, phụng dưỡng chính người đã sinh ra mình. Trong khi xung quanh còn bao người phải chắt chiu từng đồng bạc lẻ để có bát cơm, tấm áo; nhiều nơi đồng bào bị thiên tai lụt bão gây thiệt hại nặng nề thì lại có người sống quá xa hoa, lãng phí. Họ khó chịu khi được vận động ủng hộ, giúp đỡ bà con hoạn nạn vài trăm ngàn đồng nhưng sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng cho các cuộc nhậu nhẹt. Đáng buồn hơn, có người tìm mọi cách để ăn bớt tiêu chuẩn, chế độ của những gia đình thương binh - liệt sĩ, người có công, những đối tượng neo đơn không nơi nương tựa...
Cách đây khoảng 4 năm, một bài văn viết về thói vô cảm của một học sinh lớp 9 ở Hà Nội đã gây sốt trong cộng đồng khi em viết đại ý rằng trong khi các nhà khoa học đang không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến những robot biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như số đông lại đang đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can... Em nói rất đúng, bởi bây giờ ra đường, gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng nhiều người mũ ni che tai “không dại gì”. Và chính vì tư tưởng “không dại gì” đó mà xã hội ngày càng hỗn loạn, căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan. Vô cảm là con đường trực tiếp dẫn đến cái xấu, cái ác.
Kết thúc bài viết này, người viết muốn nhắc tới một câu nói nổi tiếng của mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ, rằng trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt!
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065