Tháng 7-1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung tâm huấn luyện Gargarin, Liên Xô. Trong ảnh (từ trái sang phải): Anh hùng Phạm Tuân, phi công vũ trụ Bùi Thanh Liêm, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô Vũ Khoan
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu về ngành khoa học vũ trụ của đất nước nhân dịp kỷ niệm 35 năm chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân.
Viện sĩ có thể kể lại quá trình hợp tác khoa học vũ trụ giữa Việt Nam-Liên Xô thời kỳ ấy để có được thành quả là ngày 23-7-1980 người Việt Nam đã bước vào vũ trụ.
GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Việt Nam gia nhập chương trình nghiên cứu vũ trụ vì mục đích hòa bình Intercosmos do Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ Liên Xô chủ trì ngay sau khi đất nước vừa thống nhất. Chương trình quốc tế lớn của các nước xã hội chủ nghĩa gồm 5 hướng: Vật lý và công nghệ vũ trụ; viễn thông vũ trụ; khí tượng vũ trụ; sinh-y học vũ trụ; nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên, môi trường từ vũ trụ (gọi tắt là viễn thám).
Để tham gia, thực hiện chương trình, không có bộ, ngành nào ở nước ta có thể bao trùm hết được nên Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam được cử làm Chủ tịch Ủy ban, tôi khi đó là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực.
Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành liên quan. Cụ thể, hướng viễn thông vũ trụ sử dụng vệ tinh trong việc thông tin là nhiệm vụ của ngành bưu điện. Về khí tượng, thủy văn sử dụng thông tin vũ trụ để dự báo là nhiệm vụ của ngành khí tượng-thủy văn. Về sinh-y học vũ trụ liên quan đến Cục Quân y và Viện Khoa học Việt Nam. Nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường của đất nước có liên quan đến nhiều ngành khác. Viện Khoa học Việt Nam phối hợp với Cục Đo đạc bản đồ Nhà nước, Cục Đo đạc bản đồ quân sự chịu trách nhiệm quay phim, chụp ảnh dùng cho mục đích nghiên cứu.
Lúc đó trình độ khoa học của chúng ta còn rất thấp kém, lực lượng khoa học còn rất yếu nhưng chính vì tham gia vào chương trình nên nội lực tiến rất nhanh. Mặc dù chúng ta có nhiều khó khăn nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN, ngay trong những năm đầu, 5 hướng nghiên cứu trên phát triển rất tốt.
GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu
Chuyến bay không đơn thuần là đưa phi công lên điều khiển tàu mà còn phải nghiên cứu khoa học, làm các thí nghiệm khoa học trên không gian. Xin Viện sỹ phân tích rõ điều này.
GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Ngày 23-7-1980 đánh dấu một sự kiện trọng đại của nước ta khi phi công Phạm Tuân bay vào vũ trụ cùng với nhà du hành Liên Xô. Ông đã trở thành người Việt Nam và người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Để chuẩn bị cho chuyến bay, Chính phủ đã thành lập một Ban chỉ đạo, Trưởng Ban chỉ đạo là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách về khoa học-công nghệ. Phó Ban chỉ đạo có 2 người: Một là ông Vũ Xuân Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách tuyển chọn và đào tạo phi công vũ trụ. Người thứ hai là tôi, làm Phó Trưởng ban phụ trách chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vũ trụ này.
Sau một thời gian thảo luận, tôi và các đồng nghiệp đã soạn thảo xong chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vũ trụ Liên Xô-Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng.
Về vật lý và công nghệ vũ trụ: Tiến hành hai thí nghiệm về nuôi đơn tinh thể bán dẫn trong điều kiện không trọng lượng (do Viện Vật lý thực hiện). Hai thí nghiệm này chỉ có thể được chuẩn bị tại Liên Xô hoặc Cộng hòa dân chủ Đức, cho nên tôi đề nghị Chính phủ cử hai nhóm vật lí đi chuẩn bị thí nghiệm ở nước ngoài, một nhóm đi Liên Xô, một nhóm đi Cộng hòa dân chủ Đức.
Về sinh học vũ trụ: Tiến hành hai thí nghiệm nuôi bèo hoa dâu và trồng khoai lang trên vũ trụ, với định hướng tạo nguồn thức ăn cho phi công vũ trụ trong các chuyến bay vũ trụ dài ngày trong tương lai (do Viện Sinh vật thực hiện).
Về y học vũ trụ: Nghiên cứu thử nghiệm tác dụng của cây đinh lăng đối với việc tăng cường thể lực của phi công vũ trụ (do Học viện Quân y thực hiện).
Về viễn thám: Phi công vũ trụ Việt Nam sẽ chụp ảnh đa phổ bằng máy ảnh quang học đa phổ MKF6 của CHDC Đức mỗi khi tàu vũ trụ bay qua lãnh thổ Việt Nam. Các chuyên gia CHDC Đức sẽ sang làm việc ở Việt Nam và dùng máy ảnh quang học đa phổ MKF6 đặt trên máy bay quân sự của Việt Nam để đồng thời chụp ảnh các vùng lãnh thổ mà phi công vũ trụ Việt Nam chụp từ vũ trụ để so sánh. Cũng đúng vào lúc chụp ảnh từ vũ trụ và từ máy bay, Viện Khoa học Việt Nam tổ chức các đoàn khoa học về Trái đất và thực vật học đi khảo sát thực địa tại các vùng được chụp ảnh để đối chiếu thông tin trên hai loại ảnh và thực tế tại hiện trường, trên cơ sở đó xây dựng quy trình giải đoán ảnh. Quy trình được thiết lập và sau này được giới khoa học Việt Nam sử dụng thường xuyên để giải đoán ảnh viễn thám do Liên Xô thường xuyên cung cấp. Nội dung này là lớn nhất, khó khăn nhất và đòi hỏi sự tham gia của không quân cũng như của Cục Đo đạc bản đồ quân sự.
Trong một tuần làm việc trên không gian vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân đã hoàn thành xuất sắc nhiều thí nghiệm đã được các nhà khoa học tập huấn. Cũng từ đó, ngành công nghệ viễn thám phục vụ đo đạc bản đồ, thăm dò khoáng sản, quản lý tài nguyên rừng, dự báo khí tượng thủy văn ở nước ta đã được hình thành.
Khi chương trình kết thúc, công việc nuôi đơn tinh thể giúp chúng ta tạo ra hai nhóm rất giỏi nghiên cứu về lĩnh vực này, đồng thời tạo điều kiện xây dựng và phát triển mối quan hệ mật thiết với Liên Xô và Đức. Từ chỗ nuôi đơn tinh thể mới ở mức thô thiển, Việt Nam nhảy một bước đạt trình độ quốc tế. Thành công lớn nhất của chuyến bay là đào tạo được đội ngũ cán bộ nuôi đơn tinh thể. Việt Nam còn có thể biết địa hình sông núi rõ ràng từ hình ảnh vũ trụ. Năm 1980 cũng là mốc thời gian bắt đầu hình thành hướng nghiên cứu viễn thám. Cho đến tận hôm nay, ứng dụng viễn thám được sử dụng rộng rãi ở nước ta.
Nguồn Chinhphu.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065